Anh, Pháp và Đức nằm trong nhóm ít nhất 9 nước trong năm nay đã gửi công hàm tới Liên hợp quốc phản bác yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông, trong bối cảnh lo ngại về chủ nghĩa bành trướng trên biển của Trung Quốc không còn bó hẹp trong phạm vi các nước láng giềng.
Trong công hàm, ba nước cho rằng tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh không phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Không có bất kỳ nền tảng pháp lý nào cho phép các quốc gia ven biển dựa vào đó để vẽ đường cơ sở quần đảo; hoạt động xây dựng và các hình thức chuyển đổi nhân tạo khác không thể thay đổi việc phân loại thực thể địa lý theo như quy định của UNCLOS, không tương đương với một thực thế thống nhất. Công hàm nhấn mạnh mọi tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông cần được đưa ra và giải quyết một cách hòa bình theo đúng những nguyên tắc và luật lệ của UNCLOS.
Trung Quốc lâu nay thường tuyên bố “chủ quyền lịch sử” đối với cái gọi là “đường 9 đoạn” bao gần như trọn Biển Đông. Theo phán quyết hồi năm 2016 mà Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) đưa ra sau khi thụ lý vụ kiện của Philippines, “đường 9 đoạn” không có cơ sở pháp lý. Trung Quốc sau đó không chấp nhận phán quyết này. Bắc Kinh cũng phản bác lại tuyên bố của Anh, Pháp, Đức, với lý luận chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông được “thiết lập trong tiến trình lịch sử kéo dài”.
Các nước châu Âu lâu nay thường e ngại thể hiện lập trường cứng rắn với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông, do có gắn kết quan hệ kinh tế với Trung Quốc, cùng với đó là khoảng cách xa về mặt địa lý đối với vùng biển này. Nhưng gần đây, các nước này bắt đầu lên tiếng mạnh hơn trước nghi ngờ liên quan đến tính minh bạch của Trung Quốc trong đối phó đại dịch COVID-19.
Tại cuộc gặp thượng đỉnh Trung Quốc-Liên minh châu Âu (EU) hồi tháng 9 vừa qua được tổ chức dưới hình thức trực tuyến, lãnh đạo EU cũng hối thúc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuân thủ luật pháp quốc tế ở Biển Đông. Thông cáo của EU sau hội nghị nhấn mạnh, các nhà lãnh đạo EU đã đề cập tới tình hình leo thang căng thẳng ở Biển Đông, hối thúc các bên kiềm chế và hướng đến xử lý tranh chấp bằng biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế.
Trong 9 nước đệ đơn tới Ủy ban Ranh giới thềm lục địa Liên hợp quốc (CLCS) phản đối yêu sách “đường 9 đoạn”, Malaysia và Philippines là hai bên lên tiếng đầu tiên. Kế đến là Indonesia, dù tranh chấp lãnh thổ giữa Bắc Kinh và Jarkata nằm ngoài phạm vi "đường 9 đoạn”, chủ yếu rơi vào quần đảo Natuna mà Indonesia tuyên bố thuộc vùng đặc quyền kinh tế của nước này.
Australia và Mỹ, hai nước không có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc, cũng gửi công hàm phản đối tới Liên hợp quốc. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hồi tháng 7 vừa qua khẳng định những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc là “hoàn toàn phi pháp". Ông Joe Biden, người được truyền thông Mỹ công nhận là Tổng thống đắc cử, gần đây cũng khẳng định Mỹ sẽ phối hợp chặt chẽ cùng đồng minh và đối tác trên phương diện an ninh để đối phó với Trung Quốc.
Theo Awani Irewati, chuyên gia nghiên cứu cấp cao tại Viện Khoa học Indonesia, việc các nước ngày một quan ngại về Trung Quốc có thể ngăn cản dự án Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) mà Bắc Kinh đang theo đuổi, triển khai. Chuyên gia này nhận định việc nhiều nước không có tranh chấp biển với Trung Quốc lên tiếng phản đối mạnh mẽ sẽ có sức nặng kiềm tỏa Trung Quốc còn hơn cả sức ép quân sự Mỹ tạo ra trước Bắc Kinh.