Trả lời phỏng vấn báo Philadelphia Inquirer số ra ngày 23/6, Giám đốc Tình báo Quân sự Ukraine (HUR) Kyrylo Budanov cho biết thiết bị bay không người lái Magura sản xuất trong nước của HUR đã được sử dụng để tiêu diệt một số tàu Hải quân Liên bang Nga và buộc chúng phải di dời khỏi bán đảo Crimea.
Ông Budanov tiết lộ bước tiếp theo là cắt toàn bộ nguồn tiếp tế cho các lực lượng của Liên bang Nga ở bán đảo Crimea, bao gồm cả cầu Kerch (còn gọi là cầu Crimea) – cây cầu duy nhất nối Nga và Crimea, có vai trò rất quan trọng trong cung cấp nhiên liệu, thực phẩm… cho bán đảo Crimea.
Theo ông Budanov, tên lửa chiến thuật lục quân tầm xa (ATACMS) mà Tổng thống Mỹ Joe Biden cuối cùng cũng quyết định giao cho Ukraine, có thể hạ gục cầu Kerch.
Trong cuộc phỏng vấn với tờ Philadelphia Inquirer, ông Budanov cũng bày tỏ sự tin tưởng rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ không sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật trên chiến trường nếu quyền kiểm soát của nước này đối với Crimea bị đe dọa.
Nguyên nhân, theo ông Budanov là do Ukraine không tập trung quân theo quy mô lớn để sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật hiệu quả và việc sử dụng vũ khí hạt nhân sẽ dẫn đến rủi ro chính trị lớn cho Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin.
Đó là chưa nói tới việc các lực lượng của Liên bang Nga có thể chọc thủng các lỗ hổng trong tuyến phòng thủ của Ukraine bằng các phương tiện chiến tranh thông thường.
Xem video quân đội Liên bang Nga tập trận sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật nhằm đáp trả mối đe doạ phương Tây. Nguồn: Tin tức TV/Reuters
Phát biểu của Giám đốc Tình báo Quân sự Ukraine được đưa ra trong bối cảnh cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine gần đây trở nên phức tạp hơn với việc phương Tây tăng cường trang bị nhiều loại thiết bị vũ khí hiện đại cho Ukraine còn Moskva nhiều lần đề cập tới việc sửa đổi học thuyết hạt nhân.
Gần nhất là vào ngày 23/6, người đứng đầu Ủy ban Quốc phòng của Quốc hội Liên bang Nga, ông Andrey Kartapolov, tuyên bố Moskva có thể sửa đổi học thuyết hạt nhân nếu các mối đe dọa và thách thức đối với đất nước tiếp tục gia tăng.
Ông Kartapolov nói với hãng tin RIA Novosti rằng bất kỳ thay đổi đối với các quy tắc liên quan đến việc sử dụng vũ khí hạt nhân sẽ phụ thuộc vào tình hình quân sự và chính trị quốc tế.
“Học thuyết này cho thấy phản ứng của Nga đối với những vấn đề đang diễn ra xung quanh đất nước chúng ta. Nếu thấy rằng các thách thức và mối đe dọa gia tăng, chúng ta có thể phải sửa đổi một số điều trong học thuyết, về thời gian và về việc đưa ra quyết định sử dụng vũ khí hạt nhân”, ông Kartapolov nói.
Tuy nhiên, ông Kartapolov nhấn mạnh "còn quá sớm" để nói về bất kỳ sửa đổi cụ thể nào .
Học thuyết hiện tại của Liên bang Nga nêu rõ vũ khí hạt nhân chỉ có thể được sử dụng nếu đất nước bị tấn công bằng vũ khí hủy diệt hàng loạt, hoặc nếu phải đối mặt với mối đe dọa hiện hữu từ chiến tranh thông thường.
Hôm 20/6, Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin cho biết Moskva đang cân nhắc thay đổi học thuyết hạt nhân của đất nước. Nhà lãnh đạo Liên bang Nga giải thích rằng lý do là vì phương Tây đang nỗ lực “hạ thấp ngưỡng sử dụng vũ khí hạt nhân”, bao gồm cả việc phát triển các thiết bị hạt nhân có công suất cực thấp.
Tổng thống Liên bang Nga cũng nói rằng cộng đồng chuyên gia phương Tây đang đưa ra ý tưởng rằng loại vũ khí này có thể được sử dụng và “không có gì đặc biệt khủng khiếp về điều đó”, đồng thời nói thêm Nga “cần lưu tâm đến điều này”.
Ông Putin nhấn mạnh: “Chúng tôi không cần khả năng tấn công trước, vì đòn đáp trả của chúng tôi chắc chắn sẽ tiêu diệt bất kỳ kẻ tấn công nào”.
Tuần trước, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg tiết lộ các thành viên của khối quân sự này đang thảo luận về việc có nên đặt nhiều vũ khí hạt nhân hơn ở chế độ sẵn sàng chiến đấu hay không, trong bối cảnh căng thẳng với Liên bang Nga về vấn đề Ukraine.
Ông Stoltenberg nhấn mạnh NATO phải truyền đạt rõ ràng với thế giới bên ngoài rằng khối này có tiềm năng răn đe mạnh mẽ.