Phát biểu trong một cuộc họp báo ngày 24/6, người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov đã trích dẫn lại tuyên bố trước đây của Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin cho biết các cuộc thảo luận liên quan đang được tiến hành và công việc đang được thực hiện để đưa học thuyết hạt nhân (của Liên bang Nga) phù hợp với thực tế hiện nay.
Hôm 20/6, Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin nói rằng Moskva đang cân nhắc thay đổi học thuyết hạt nhân của đất nước.
Nhà lãnh đạo Liên bang Nga giải thích rằng lý do là vì phương Tây đang nỗ lực “hạ thấp ngưỡng sử dụng vũ khí hạt nhân”, bao gồm cả việc phát triển các thiết bị hạt nhân có công suất cực thấp.
Tổng thống Liên bang Nga cũng nói rằng cộng đồng chuyên gia phương Tây đang đưa ra ý tưởng rằng loại vũ khí này có thể được sử dụng và “không có gì đặc biệt khủng khiếp về điều đó”, đồng thời nói thêm Nga “cần lưu tâm đến điều này”.
Ông Putin nhấn mạnh: “Chúng tôi không cần khả năng tấn công trước, vì đòn đáp trả của chúng tôi chắc chắn sẽ tiêu diệt bất kỳ kẻ tấn công nào”.
Xem video người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov ngày 24/6/2024 nói rằng Liên bang Nga đang sửa đổi học thuyết hạt nhân. Nguồn: Reuters
Sau đó vào ngày 23/6, người đứng đầu Ủy ban Quốc phòng của Quốc hội Liên bang Nga, ông Andrey Kartapolov, tuyên bố Moskva có thể sửa đổi học thuyết hạt nhân nếu các mối đe dọa và thách thức đối với đất nước tiếp tục gia tăng.
Ông Kartapolov nói với hãng tin RIA Novosti rằng bất kỳ thay đổi đối với các quy tắc liên quan đến việc sử dụng vũ khí hạt nhân sẽ phụ thuộc vào tình hình quân sự và chính trị quốc tế.
“Học thuyết này cho thấy phản ứng của Nga đối với những vấn đề đang diễn ra xung quanh đất nước chúng ta. Nếu thấy rằng các thách thức và mối đe dọa gia tăng, chúng ta có thể phải sửa đổi một số điều trong học thuyết, về thời gian và về việc đưa ra quyết định sử dụng vũ khí hạt nhân”, ông Kartapolov nói.
Tuy nhiên, ông Kartapolov nhấn mạnh "còn quá sớm" để nói về bất kỳ sửa đổi cụ thể nào .
Học thuyết hiện tại của Liên bang Nga nêu rõ vũ khí hạt nhân chỉ có thể được sử dụng nếu đất nước bị tấn công bằng vũ khí hủy diệt hàng loạt, hoặc nếu phải đối mặt với mối đe dọa hiện hữu từ chiến tranh thông thường.
Tuyên bố về khả năng sửa đổi học thuyết hạt nhân của các quan chức cấp cao Liên bang Nga được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng giữa nước này và phương Tây về vấn đề Ukraine ngày một gia tăng.
Đặc biệt, trong một cuộc trả lời phỏng vấn, được tờ The Telegraph đăng tải hôm 16/6, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), ông Jens Stoltenberg cho biết liên minh quân sự này đang đàm phán để triển khai thêm vũ khí hạt nhân nhằm cho thế giới thấy kho vũ khí hạt nhân của mình và đưa ra cảnh báo rõ ràng về mối đe dọa ngày càng tăng từ Liên bang Nga và Trung Quốc.
Cùng với việc kêu gọi việc sử dụng tính minh bạch để tạo sức răn đe, người đứng đầu NATO tiết lộ đã có các cuộc tham vấn trực tiếp giữa các thành viên của liên minh về việc đưa tên lửa ra khỏi kho và đặt chúng ở chế độ chờ.
Theo ông Stoltenberg, tính minh bạch về hạt nhân phải là nền tảng trong chiến lược hạt nhân của NATO nhằm chuẩn bị cho liên minh quân sự này đối phó với điều mà ông mô tả là một thế giới nguy hiểm hơn.
Ông Stoltenberg nói: “Sự minh bạch giúp truyền tải thông điệp trực tiếp rằng tất nhiên chúng ta là một liên minh hạt nhân”. “Mục tiêu của NATO tất nhiên là một thế giới không có vũ khí hạt nhân, nhưng chừng nào vũ khí hạt nhân còn tồn tại, chúng ta sẽ vẫn là một liên minh hạt nhân, bởi vì một thế giới mà ở đó Liên bang Nga, Trung Quốc và Triều Tiên có vũ khí hạt nhân còn NATO thì không, là một thế giới thế giới nguy hiểm hơn”.
Cũng trong ngày 17/6, Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) công bố báo cáo cho biết xét về tổng lượng tồn kho, Mỹ có 5.044 đầu đạn trong khi Liên bang Nga có 5.580 và tổng kho dự trữ của họ chiếm gần 90% tổng số vũ khí hạt nhân của thế giới.
Tuy nhiên, Trung Quốc đã đánh bại các siêu cường trên thế giới trong việc phát triển kho dự trữ đầu đạn hạt nhân.
Theo tổ chức tư vấn châu Âu này, Trung Quốc đã tăng số lượng đầu đạn hạt nhân từ 410 vào năm 2023 lên 500 trong năm nay.
Trong khi đó, Lầu Năm Góc dự báo tới năm 2030, Trung Quốc có thể có hơn 1.000 đầu đạn hạt nhân hoạt động.