Tờ Guardian (Anh) cho rằng đây là dấu hiệu cho thấy chính quyền Tổng thống Trump sẽ thực hiện thêm nhiều biện pháp quyết liệt để cạnh tranh với Nga và Trung Quốc về tài nguyên vùng cực.
Tổng thống Trump đã đưa ra bản ghi nhớ “bảo vệ lợi ích quốc gia Mỹ tại Bắc Cực và Nam Cực”, kêu gọi chính quyền trong 60 ngày lập kế hoạch để đến năm 2029 đóng ít nhất ba tàu phá băng cỡ lớn và đề xuất địa điểm xây dựng hai căn cứ hỗ trợ ở Mỹ và hai căn cứ ở nước ngoài.
Bản ghi nhớ của Tổng thống Trump nhấn mạnh hạm đội tàu phá băng mới sẽ được sử dụng cho các nhiệm vụ về an ninh quốc gia và kinh tế.
Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Charlie Cray tại tổ chức Greenpeace (Mỹ) nhận định: “Có rất nhiều cách để tiền thuế của chúng ta có thể được sử dụng trong giúp cộng đồng tại Bắc Cực. Hỗ trợ ngành dầu mỏ và quân đội bằng một hạm đội tàu phá băng mới là điều ít cần thiết nhất”.
Ông Paul Avey tại Đại học Công nghệ Virginia nói: “Tàu phá băng, ngay cả khi được trang bị vũ khí, cũng không giải quyết được những thách thức phổ biến nhất từ Trung Quốc và Nga đối với Mỹ ở Bắc Cực. Về mặt quốc phòng, tôi cho rằng phương pháp tốt nhất để đối trọng với Trung Quốc và Nga tại Bắc Cực và Nam Cực là tập trung vào những vấn đề ở Đông Âu cùng Tây Thái Bình Dương”.
Mỹ hiện chỉ có một tàu phá băng hạng nặng đã “có tuổi” là Polar Star và một tàu tầm trung. Nga trong khi đó sở hữu tới 40 tàu phá băng, Phần Lan có 7 tàu, còn Thụy Điển và Canada đều có 6 tàu.
Trung Quốc cũng quan tâm tới tài nguyên tại Bắc Cực khi cấp chi phí cho nhiều dự án cơ sở hạ tầng tại đây.