Trong cuộc phỏng vấn với Đài phát thanh Tự do châu Âu, ông Stoltenberg nói: "Không thể nói chính xác khi nào chuyển F-16, vì đó là một vấn đề nan giải. Tất cả chúng tôi đều muốn F-16 đến Ukraine càng sớm càng tốt. Tất nhiên, phi công càng được đào tạo tốt thì F-16 sẽ càng hoạt động hiệu quả hơn. Và không chỉ các phi công, mà còn cả việc bảo trì kỹ thuật, nhân sự và tất cả các hệ thống hỗ trợ cần sẵn sàng”.
Theo ông Stoltenberg, NATO cần lắng nghe các chuyên gia quân sự về thời điểm chính xác khi nào sẵn sàng hoặc khi nào các đồng minh bắt đầu gửi và giao F-16 cho Ukraine.
Khi được hỏi liệu các máy bay chiến đấu trên có được gửi đi kèm lệnh cấm sử dụng để tấn công lãnh thổ Nga hay không, ông Stoltenberg lưu ý rằng quyết định đó tùy thuộc vào các đồng minh cung cấp máy bay. Theo người đứng đầu NATO, hiện có nhiều quan điểm khác nhau về vấn đề này.
Tại cuộc họp thường kỳ của Nhóm Liên lạc Quốc phòng Ukraine vào ngày 14/2, các đối tác của Ukraine đã báo cáo về những tiến bộ đạt được trong việc đào tạo phi công Ukraine và gửi máy bay chiến đấu phương Tây cho Kiev.
Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Rustem Umierov cho biết sau cuộc gặp: "Mọi thứ đều đúng tiến độ trong khuôn khổ tất cả các thỏa thuận với các đối tác của Ukraine".
Máy bay chiến đấu F-16 dự kiến sẽ đến Ukraine vào mùa xuân. Natalia Halibarenko, Trưởng phái đoàn Ukraine tại NATO, cho biết đây là thời hạn thực tế.
Trong khi đó, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte thông báo các máy bay chiến đấu có thể được giao "đúng tiến độ" và sẽ có ít nhất 24 máy bay.
Đan Mạch và Hà Lan là những quốc gia đầu tiên cam kết gửi máy bay chiến đấu F-16 tới Ukraine, nhưng lưu ý điều này sẽ diễn ra sau khi các phi công Ukraine hoàn thành khóa huấn luyện. Na Uy và Bỉ cũng nói như vậy.
Chính quyền Ukraine đã nhiều lần tuyên bố rằng sự xuất hiện của máy bay chiến đấu phương Tây ở Ukraine có thể làm thay đổi cục diện trên chiến trường, vì Nga hiện có "ưu thế hoàn toàn trên không" tại các vùng lãnh thổ mà Moskva kiểm soát.