Theo ban tổ chức, hơn 150 doanh nghiệp đến từ 11 quốc gia góp mặt tại triển lãm lần này, giới thiệu hơn 100 thiết bị bay, máy bay, động cơ, các hệ thống bay khác nhau. Ngoài doanh nghiệp Nga, tham gia triển lãm còn có nhà phát phát triển và chế tạo trực thăng Mỹ Bell, cũng như Dassault Systemes, công ty hàng đầu thế giới của Pháp về phát triển các giải pháp phần mềm thiết kế 3D và quản lý vòng đời sản phẩm. Ngoài ra còn có các doanh nghiệp của Belarus, Kazakhstan, CH Séc…
Theo truyền thống, tổng công ty phát triển và chế tạo trực thăng duy nhất của Nga – “Trực thăng Nga” thuộc tập đoàn hùng mạnh Rostec hiện diện ấn tượng nhất tại triển lãm. Ông Andrei Boginsky, Tổng giám đốc “Trực thăng Nga”, cho biết : “HeliRussia là cơ hội tuyệt vời để chúng tôi thảo luận với những người tham gia thị trường máy bay trực thăng Nga về tất cả các vấn đề đã tích lũy được trong năm, để hợp lực đối mặt với những thách thức mới”.
Đáng chú ý tại gian trưng bày của “Trực thăng Nga” là trực thăng đa năng chữa cháy Ka-32A11VS và trực thăng đa năng hạng nhẹ cứu thương Ansat với các tùy chọn thiết bị mới.
Ông Shamil Suleymanov, chuyên gia Trung tâm chế tạo trực thăng quốc gia mang tên Mil và Kamov cho biết Ка-32A11VS được trang bị hệ thống điện tử điều khiển hoàn toàn mới, nên nay máy bay có thể hoạt động cả ngày lẫn đêm. Buồng lái nâng cấp bằng kính dễ quan sát. Động cơ VК-2500PS-02 mạnh mẽ hơn và phù hợp với khu vực khí hậu nóng như ở Đông Nam Á. Ở khí hậu nóng, sức nâng của trực thăng có thể tăng thêm 1.600kg, vận tốc tăng từ 150 km/h lên 230 km/h; tải trọng tăng từ 3 lên 4 tấn. Ka-32 có thể đạt độ cao tới 5.000m nên thích hợp để chữa cháy ở các tòa nhà chọc trời. Đây cũng là dòng trực thăng duy nhất có thể hoạt động ở nhiệt độ băng giá âm 50-60 độ C nên Ka-32 có thể hoạt động “từ Bắc Cực đến Nam Cực”. Ngoài ra hệ thống thùng chữa cháy SP-32 đặc biệt do Nga sản xuất được điều khiển bằng kỹ thuật số, dung tích 4 tấn; có thể hoạt động ở nhiệt độ âm 20 độ C; và trong 60 giây có thể lấy đầy 4 tấn nước. Pháo của hệ thống có thể bắn nước xa 30m song các kỹ sư đang nghiên cứu để nâng tầm bắn lên 50-60m.
Với trực thăng Ansat, nó được bổ sung thêm một thùng chứa nhiên liệu 192 lít, giúp máy bay tăng tầm hoạt động thêm từ 140-150km - lên 650km. Ngoài ra, từ năm 2021, khách hàng có thể đặt mua Ansat nâng cấp với bình xăng chính dung tích tăng thêm 20%, giúp tầm bay tăng thêm 135 km. Như vậy Ansat bản nâng cấp sẽ có tầm bay tối đa hơn 750 km. Cuối năm nay dự kiến “Trực thăng Nga” sẽ tiến hành thử nghiệm bản Ansat hoàn toàn mới.
Thương hiệu mới SmartHELI của Nga tại triển lãm giới thiệu các trực thăng không người lái (BVS-VT) SmartHELI-350, 400, 550, 650 và 900. Các thiết bị này có thể sử dụng để giám sát hoạt động hàng không, giám sát tình trạng cơ sở hạ tầng, cũng như giao hàng và một số nhiệm vụ khác. Các BVS-VT được giới thiệu có tầm bay từ 3-7 tiếng và tải trọng cất cánh tối đa từ 350 đến 900 kg, có thể lắp các thiết bị theo dõi và giám sát dựa trên hệ thống quang điện tử và radar, container vận chuyển, hay các thiết bị khác theo nhu cầu của khách hàng.
Trong khi đó công ty “Chụp ảnh từ không trung” giới thiệu các hệ thống máy bay không người lái (UAV) hybrid (động cơ xăng-điện) như Geodrone GDM với trọng lượng nâng tối đa 25,5 kg, có khả năng truyền thông tin theo thời gian thực trong bán kính lên đến 30km. Tầm bay lên đến 200km, thời gian bay tự động là 180 phút; hay SeaDrone – MG hoạt động trên biển với tải trọng nâng tối đa 20,5kg, bay liên tục 4 giờ và mang được 5kg tải trọng có ích. Đáng chú ý tại gian hàng của công ty “Chụp ảnh từ không trung” là hệ thống súng chế áp UAV di động "Dronoboy" với góc chế áp nhỏ, trọng lượng nhẹ, thiết kế thuận tiện cho phép nhanh chóng ngăn chặn những "vị khách" không mong muốn. Loại súng áp chế này có thể vô hiệu hóa các UAV nhỏ ở khoảng cách 600m. Lĩnh vực ứng dụng các hệ thống máy bay không người lái (UAV) ở Nga đang phát triển nhanh, và bất chấp một số rào cản quy định hiện có, là một trong những lĩnh vực công nghệ cao hứa hẹn nhất.
Có thể thấy trực thăng có rất nhiều lĩnh vực hứa hẹn có thể sử dụng hữu hiệu ở Việt Nam. Nhờ các ưu điểm như hoạt động trên không, tốc độ và tầm bay lớn, dễ dàng tiếp cận các khu vực bị cô lập, trực thăng là công cụ hữu hiện để chữa cháy cho các tòa nhà cao tầng, cấp cứu, cứu hộ cứu nạn cả ở những nơi bị cô lập cũng như ở hải đảo xa xôi. Ngoài ra, các hệ thống trực thăng không người lái đa dạng hiện nay cũng là phương tiện vừa không quá tốn kém, lại vừa hữu ích trong các hoạt động cảnh báo sớm, giám sát, hay tiếp cận các khu vực mà các phương tiện truyền thông khác khó tiếp cận.