Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình RT, Đại sứ Nga tại Washington Anatoly Antonov cho biết: “Nga không hứng thú chạy đua vũ trang. Chúng tôi đã nhấn mạnh rõ ràng nhiều lần và Tổng thống Putin cũng khẳng định nhiều lần. Thậm chí khi giới thiệu các mẫu vũ khí hiện đại mới, Tổng thống Putin còn bày tỏ mong muốn đàm phán với Mỹ và cho rằng đã đến lúc hai bên hợp tác để tìm ra các giải pháp cho nhiều vấn đề như Hiệp ước Cắt giảm vũ khí chiến lược mới (START mới). Chúng ta nên làm gì với thỏa thuận đó? Chúng ta nên làm gì với Hiệp ước INF… Dường như hai nhà lãnh đạo có thể có thời gian thảo luận về những vấn đề chiến lược”.
Thỏa thuận song phương đầu tiên giữa Mỹ và Liên bang Xô viết về cắt giảm vũ khí chiến lược (START) được ký kết vào ngày 31/7/ 1991 với thời hạn 15 năm. Đến tháng 5/2009, các cuộc thảo luận về một hiệp ước START mới được thực hiện và Hiệp ước START mới chính thức có hiệu lực từ ngày 5/2/2011.
Theo quy định, hiệu lực của Hiệp ước START mới chấm dứt trước ngày 5/2/2018. Tổng số vũ khí ở mỗi quốc gia không vượt quá 700 tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) và máy bay ném bom hạng nặng, 1.550 đầu đạn được lắp vào các ICBM, SLBM, oanh tạc cơ và 800 phương tiện phóng.
Trong khi đó, Hiệp ước INF được Mỹ và Liên Xô ký kết vào tháng 12/1987, yêu cầu các bên phá hủy tên lửa đạn đạo và hành trình phóng từ mặt đất có tầm bắn từ 500 đến 5.500 km. Mỹ và Nga đã nhiều lần cáo buộc lẫn nhau vi phạm hiệp ước.
Moskva và Washington đang tích cực chuẩn bị cho cuộc họp thượng đỉnh chính thức đầu tiên giữa Tổng thống Trump và Tổng thống Putin. Trong cuộc họp, các tổng thống Mỹ và Nga dự kiến sẽ thảo luận về quan hệ song phương và các vấn đề khác nhau trong chương trình nghị sự quốc tế.
Theo Đại sứ Anatoly Antonov, cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo Nga-Mỹ sẽ cho phép đạt được tiến trình liên quan đến các mối quan hệ song phương cũng như thách thức toàn cầu và khu vực.
Đại sứ Anatoly Antonov cũng bày tỏ hy vọng một nhóm an ninh mạng chung sẽ được thành lập sau khi Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Nga kết thúc. Tháng 7/2017, sau các cuộc gặp với người đồng cấp Nga bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G-20 tại Đức, Tổng thống Trump tuyên bố Moskva và Washington sẽ thành lập lực lượng an ninh mạng chung nhằm ngăn chặn các cuộc tấn công mạng nhắm tới các cuộc bầu cử. Tuy nhiên, sáng kiến này đã bị một bộ phận giới phê bình trong nước chỉ trích.
Từ năm 2009 tới 2013, chính phủ Mỹ và Nga tích cực hợp tác trong các sáng kiến an ninh mạng. Tuy nhiên, hai nước đã ngừng hợp tác trong năm 2014 khi quan hệ song phương xuống dốc vì khủng hoảng Ukraine.