Hai nhà phân tích Jeffrey Becker và Erica Downs tại Trung tâm Phân tích Hải quân (đơn vị phi lợi nhuận có trụ sở tại Mỹ) kết luận trong một bài đăng ngày 27/6 rằng: “Đối với tham vọng của Trung Quốc sở hữu lực lượng hải quân quốc tế thật sự thì căn cứ quân sự ở nước ngoài đầu tiên của quốc gia này dường như sẽ không chỉ có một”.
Binh sĩ Trung Quốc tại căn cứ ở Djibouti. Ảnh: AP |
Tuy nhiên, các nhà phân tích chưa xác định được địa điểm hải ngoại tiếp theo Trung Quốc có thể xây dựng căn cứ quân sự.
Các chuyên gia đồng thời phân tích rằng nên coi căn cứ ở Djibouti là “phòng thí nghiệm” nơi các chuyên gia Hải quân Trung Quốc nghiên cứu để quyết định địa điểm tốt nhất cho các cơ sở quân sự hải ngoại khác của Bắc Kinh trong tương lai.
Theo đó, hải quân Trung Quốc sẽ phân tích những kinh nghiệm thu được từ sử dụng căn cứ tại Djibouti để bảo vệ công dân và tài sản của Trung Quốc ở nước ngoài, từ đó tính toán về địa điểm và cơ sở hạ tầng cho căn cứ khác trong tương lai.
Hãng tin Sputnik (Nga) cho biết trong tháng 7/2017, nhiều quan chức Trung Quốc đã dự lễ khánh thành căn cứ hải quân “hậu cần” tại Djibouti.
Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hong Kong, Trung Quốc) dẫn lời chuyên gia quân sự Li Jie tại Bắc Kinh nhận định Djibouti có vị trí rất quan trọng vì nằm ở cửa ngõ phía Nam ra Biển Đỏ. Hiện nay tại Djibouti còn có căn cứ quân sự của Mỹ, Nhật Bản và Pháp.
Trung Quốc cho biết căn cứ quân sự rộng 36 ha tại Djibouti sẽ được sử dụng cho mục đích gìn giữ hòa bình và sứ mệnh nhân đạo ở ngoài khơi Yemen, Somalia.