Hai tuần sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào cuối tháng 2, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken công khai tuyên bố rằng Washington đã “bật đèn xanh” cho các đồng minh NATO để cung cấp cho Ukraine các máy bay chiến đấu thời Liên Xô đang hoạt động hiệu quả. Quan chức này cũng tiết lộ Mỹ đang thực hiện thỏa thuận cho phép Ba Lan chuyển giao phi đội máy bay chiến đấu MiG-29 của nước này cho Kiev.
Trong vòng vài ngày, Warsaw thông báo rằng họ sẽ chuyển giao các chiến đấu cơ cho lực lượng Mỹ tại Căn cứ Không quân Ramstein ở Đức. Tuy nhiên, vài giờ sau thông báo này, Lầu Năm Góc đã ngừng chuyển giao và cho rằng đề xuất của Ba Lan là “không thể thực hiện được”.
Báo cáo của Tạp chí The Spectator tiết lộ Trung Quốc đã chịu trách nhiệm trực tiếp cho bước ngoặt này. Trích dẫn một nguồn giấu tên của Trung Quốc, tác giả Owen Matthews đã mô tả “cuộc thảo luận ngoài hành lang bí mật và cấp bách liên quan đến các cựu lãnh đạo châu Âu” đã được thực hiện. Sáng kiến này “cuối cùng cũng được Trung Quốc tán thành” và Washington đã rút lại quyết định trước đó.
Gần 9 tháng sau, NATO vẫn chưa cung cấp máy bay chiến đấu cho Ukraine, bất chấp nỗ lực vận động hành lang mạnh mẽ từ Kiev.
Báo cáo cũng khẳng định trong suốt cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, Bắc Kinh đã không ngừng kêu gọi cả hai bên xuống thang căng thẳng. Những nỗ lực của Trung Quốc được tiến hành theo hai hướng. Trong khi Bắc Kinh thuyết phục Mỹ ngừng chuyển giao chiến đấu cơ cho Ukraine, các vị Tướng của nước này được cho là đã hội đàm với người đồng cấp Nga để đảm bảo rằng Moskva sẽ tuân thủ học thuyết hạt nhân lâu đời của đất nước.
Theo học thuyết hạt nhân của Nga, nước này sẽ chỉ sử dụng vũ khí hạt nhân nếu kẻ thù sử dụng loại vũ khí hủy diệt hàng loạt này hoặc các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt khác để đối phó với Nga và các đồng minh. Thứ hai, nếu Nga có bằng chứng đáng tin cậy về một vụ phóng tên lửa đạn đạo tấn công lãnh thổ của mình hoặc của các đồng minh. Thứ ba, nếu chính phủ hoặc các căn cứ quân sự quan trọng của Nga bị đối phương tấn công nhằm mục đích làm suy yếu khả năng đáp trả của lực lượng hạt nhân Nga. Cuối cùng, Nga sẽ triển khai vũ khí hạt nhân nếu đất nước phải đối mặt với một mối đe dọa hiện hữu trong trường hợp bị tấn công bằng các loại vũ khí thông thường.
Giới chuyên gia nhận địnhTrung Quốc vẫn duy trì quan điểm trung lập về vấn đề Ukraine. Vào tuần trước, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố rằng Bắc Kinh sẵn sàng hợp tác với Nga và “các quốc gia có cùng chí hướng khác để thúc đẩy sự phát triển của thế giới đa cực”.
Theo báo cáo của tác giả Matthews, Bắc Kinh và Moskva đã ký hiệp ước phòng thủ chung có giới hạn vào đầu năm nay. Tuy nhiên, Trung Quốc không cung cấp thiết bị quân sự cho Nga và các nhà ngoại giao của nước này luôn công khai kêu gọi giải quyết xung đột bằng giải pháp hoà bình.