Theo báo Độc lập của Nga ngày 4/4, một điều ngày càng rõ là sắp tới chế độ không phổ biến công nghệ tên lửa sẽ đối mặt với nhiều thách thức. Năm 1991, Ukraine thừa hưởng từ Liên Xô trước đây một tổ hợp công nghiệp quân sự hùng mạnh, trong đó có lĩnh vực công nghệ tên lửa-vũ trụ. Doanh nghiệp nhà nước “Cục thiết kế Phương Nam” (Yuznoe) mang tên M. K. Yangel ở Dnepropetrovsk là nhà phát triển chủ chốt các tên lửa đạn đạo liên lục địa R-36M2 “Voevod” - NATO gọi là SS-18Satan - hiện vẫn thuộc phiên chế Lực lượng tên lửa chiến lược Nga. Các chuyên gia Ukraine thực hiện việc giám sát, tăng tuổi thọ cho Voevod – loại tên lửa đạn đạo mạnh nhất thế giới.
Tên lửa này từ lâu đã không còn được sản xuất, tuy nhiên tài liệu thiết kế vẫn nằm ở Cục thiết kế Phương Nam cũng như tài liệu của loại tên lửa liên lục địa khác RT-23 UTTH “Molodets” đặt trên xe lửa. Theo hiệp ước START-2 các hệ thống này không còn được sử dụng và bị tiêu hủy.
Tên lửa Satan của Liên Xô. |
Toàn bộ tổ hợp công nghiệp quân sự Ukraine gắn chặt với các đơn hàng của Nga. Tuy nhiên ngày 29/3, quyền Tổng giám đốc công ty “Ukroboronprom”, ông Yuriy Tereshchenko đã tuyên bố ngừng cung cấp kỹ thuật quân sự cho Nga. Quyền Thủ tướng Ukraine, Arseni Yatsenyuk cũng tuyên bố trên truyền hình rằng có kế hoạch tái trang bị tổ hợp công nghiệp quân sự do hợp tác với phương Tây và “sẽ phải sử dụng các mô hình khác”.
Không có đơn hàng từ Nga, các xí nghiệp quân sự Ukraine sẽ nhanh chóng phá sản. Và khi đó sẽ xuất hiện các khách mua nước ngoài, nếu không nói là đã xuất hiện. Đứng đầu trong số các đối tượng này là Israel và Trung Quốc.
Israel đã làm ngơ trước các thành viên cựu hữu bài Do thái trong chính phủ lâm thời ở Kiev và các chiến binh phong trào “Cánh hữu”. Phản ứng yếu ớt trước sự xuất hiện của chủ nghĩa phát xít mới ở châu Âu, ban lãnh đạo Israel đã không để tâm tới việc người đứng đầu tổ chức Do thái Rabbi Cohen và nhạc công nổi tiếng Yan Tabachnik bị đánh, thánh đường Do thái bị đốt và những graffiti bài Do thái vẽ trên tường. Dường như Israel đang rất quan tâm tới Ukraine, trong đó thực sự có mối quan tâm tới công nghệ tên lửa.
Bắc Kinh cũng không có ý định làm hỏng mối quan hệ với những kẻ tiếm quyền ở Kiev. Trung Quốc đã từ chối đánh giá việc Crimea sáp nhập vào LB Nga. Nước này cũng cần duy trì quan hệ tốt đẹp với Kiev, bất luận ai đang cầm quyền. Và toàn thế giới đều biết Trung Quốc không tiếc tiền mua sắm các công nghệ nhạy cảm.
Điều gì sẽ đến nếu các doanh nghiệp trong tổ hợp công nghiệp-quốc phòng Ukraine phá sản? Trước tiên, đó là cổ phần hóa, toàn bộ hay từng phần. Bạn có thể mua xí nghiệp hay Cục thiết kế cùng tài liệu lưu trữ. Thứ hai, nhân viên xí nghiệp cũng có thể bán tài liệu, đặc biệt là những người điều hành. Thứ ba, có thể ký hợp đồng hấp dẫn với các chuyên gia thiết kế hàng đầu. Và thứ tư, ban lãnh đạo lâm thời ở Kiev, vui mừng trước khoản vay ưu đãi lớn của Trung Quốc, có thể dâng các bản vẽ và công nghệ.
Tờ báo kết luận, như vậy, chính quyền Mỹ vẫn chưa tính tới khả năng Trung Quốc sẽ sở hữu Satan hay tên lửa liên lục địa đặt trên xe lửa trong bài toán địa chính trị của mình.
Duy Trinh