Các chuyên gia quân sự cho rằng việc sở hữu xe tăng Panther Kf51 thế hệ tiếp theo của Đức sẽ mang đến cho Ukraine lợi thế vượt trội so với những chiếc xe tăng cũ hơn mà các nhà tài trợ phương Tây đang gửi đến, cũng như những chiếc xe tăng từ thời Chiến tranh Lạnh của Ukraine.
Thế nhưng, việc tiếp nhận một chiến xa chưa được từng chứng minh trên chiến trường thực tế có thể trở thành gánh nặng đối với quân đội Ukraine, trong bối cảnh lực lượng này đang gặp khó khăn để làm quen với các mẫu xe tăng phương Tây cũ hơn.
Rheinmetall, công ty vũ khí nổi tiếng của Đức phát triển Kf51, tự tin rằng ý tưởng này có thể thành công. Giám đốc điều hành Armin Papperger nói với tờ báo kinh tế Handelsblatt của Đức rằng xe tăng Panther mới có thể cập bến Ukraine trong thời gian 15 - 18 tháng.
"Chúng tôi đang thảo luận với Kiev về việc xuất khẩu Panther”, ông Papperger nói. Ông cho biết thêm Ukraine cũng bày tỏ sự quan tâm đến xe chiến đấu bộ binh Lynx thế hệ tiếp theo của Rheinmetall.
Ngoài ra, Rheinmetall được cho là đang đàm phán với Ukraine để xây dựng một nhà máy sản xuất xe tăng ở đó, mặc dù không rõ họ sẽ sản xuất xe tăng Panther hay Leopard 2 cũ hơn.
Phần thân của Panther tương đồng với Leopard 2 được ra mắt năm 1979. Tháp pháo của nó được trang bị hệ thống súng thế hệ mới nhất của Rheinmetall, một khẩu pháo nòng trơn 130 mm thay thế cho loại 120 mm tiêu chuẩn được trang bị trên các phương tiện chiến đấu của phương Tây như M1 Abrams, Leopard 2 và Challenger 2.
Trên Kf51 Panther còn sở hữu hệ thống phóng máy bay không người lái cảm tử HERO 120. Tính năng kết nối mạng tinh vi cho phép nó được tích hợp vào chuỗi hệ thống phát hiện và tiêu diệt. Theo Handelsblatt, Rheinmetall giới thiệu xe tăng Panther mới tại một triển lãm thương mại ở Paris vào mùa hè 2022 và chào hàng nó là xe tăng chiến đấu mạnh nhất thế giới.
Kf51 có hai điểm nổi bật. Một là bộ nạp đạn tự động, cho phép tổ lái xe tăng có giảm bớt một nhân lực, thay vì bốn người như thường thấy ở các xe tăng phương Tây. Bên cạnh đó, giống xe tăng Abrams thế hệ tiếp theo, tháp pháo của Panther có thể không cần người điều khiển, với kíp lái ngồi ở đằng sau lớp giáp dày hơn của thân xe tăng.
Có lẽ không phải ngẫu nhiên, tháp pháo không người lái và khả năng phóng các thiết bị bay không người lái cũng là điểm đặc trưng của xe tăng T-14 Armata thế hệ tiếp theo của Nga, xuất hiện lần đầu vào năm 2014. Quân đội Nga chỉ mua một vài chiếc T-14, có thể do giá quá cao cũng như các vấn đề sản xuất và cơ khí.
Đáng chú ý, Panther có trọng lượng chiến đấu chỉ 59 tấn, trong khi Leopard 2A7 mới nhất nặng 67 tấn, Abrams và Challenger nặng 70 - 80 tấn. Các phương tiện nhẹ hơn sẽ dễ dàng vượt qua cầu hoặc địa hình lầy lội – đó là những yếu tố cần chú ý trên chiến trường Ukraine.
Nhưng thiết kế đổi mới trên cũng đi kèm với sự đánh đổi, đặc biệt khi nhắc đến vấn đề trọng lượng.
Một lý do khiến Kf51 mỏng hơn là vì giống như Leopard 2, nó không được bọc giáp dày như Abrams và Challenger. Thay vì tấm giáp cồng kềnh, Panther dựa nhiều hơn vào các hệ thống bảo vệ chủ động và thụ động, chẳng hạn như thiết bị gây nhiễu, màn khói và đường đạn để tiêu diệt tên lửa chống tăng đang lao tới.
Không còn nghi ngờ gì nữa, Ukraine cần thêm xe tăng để chống lại các lực lượng của Nga. Ngày 4/3, Tổng thống Ukraine đã lên tiếng thừa nhận tình trạng thiếu xe tăng. Ông cho biết: “Tôi tin rằng, bất kể chuyện gì xảy ra, chúng tôi sẽ có được một đội xe tăng. Lực lượng vũ trang của chúng tôi đã được huấn luyện, điều đó sẽ sớm diễn ra, song vẫn thiếu hụt”. Tuy nhiên, Kiev cần phải cân nhắc đến thực tế rằng chưa có quân đội nào trên thế giới mua Kf51.
Ngay cả những vũ khí mới tốt nhất cũng không thể tránh khỏi những thiếu sót ở giai đoạn ban đầu. Nếu Ukraine trở thành quốc gia đầu tiên sử dụng Panther thì họ cũng trở thành quốc gia đầu tiên đối phó với các lỗi không thể tránh khỏi đó. Nhìn chung, với tất cả những thách thức mà Ukraine đang phải đối mặt, việc sở hữu xe tăng Panther đời mới nhất của Đức cũng là một canh bạc.
Trước động thái gửi vũ khí cho Ukraine của phương Tây, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định phương Tây đang sử dụng Ukraine là công cụ để thực hiện các mục tiêu chống Nga.
Theo ông Peskov, việc phương Tây cung cấp các vũ khí tối tân hơn cho Ukraine sẽ không làm thay đổi cục diện cuộc chiến mà chỉ khiến xung đột leo thang hơn nữa. Ông đồng thời cảnh báo, tất cả xe tăng của phương Tây sẽ trở thành mục tiêu tấn công của Nga:
Ông Peskov nói: “Chúng tôi đánh giá và nhìn nhận hành vi này rất tiêu cực… Hành động này của không thể thay đổi tình hình thực địa. Họ phải hiểu điều này. Họ chỉ làm kéo dài toàn bộ câu chuyện và gây thêm rắc rối cho Ukraine. Họ đang sử dụng đất nước Ukraine như một công cụ để đạt được các mục tiêu chống Nga. Chiến dịch quân sự của chúng tôi sẽ tiếp tục và những vũ khí của họ sẽ bị thiêu rụi”.