Trên mạng xã hội X, ông Umerov nêu rõ Ukraine và Mỹ đã ký MoU về việc sản xuất chung và trao đổi về dữ liệu kỹ thuật.
Theo Bộ Quốc phòng Ukraine, MoU trên được ký kết trong khuôn khổ Hội nghị Công nghiệp quốc phòng DFNC1: Phiên bản Mỹ ở thủ đô Washington. Bản ghi nhớ này, được Bộ Quốc phòng Ukraine, Bộ Công nghiệp chiến lược Ukraine và Bộ Quốc phòng Mỹ ký kết, sẽ góp phần xây dựng năng lực sản xuất vũ khí ở Ukraine phục vụ các nhu cầu về quân sự của nước này.
Hội nghị Công nghiệp quốc phòng DFNC1: Phiên bản Mỹ khai mạc hôm 6/12 nhằm mục đích hỗ trợ "mức độ hợp tác cao nhất" giữa các doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng của Ukraine và Mỹ.
Ukraine phụ thuộc nhiều vào viện trợ quân sự phương Tây trong thời gian qua. Để giảm bớt phụ thuộc, Tổng thống V. Zelensky đang thúc đẩy cải cách ngành công nghiệp quốc phòng trong nước, hiện đại hóa các cơ sở chế tạo tại địa phương và tăng cường nguồn cung.
Mỹ là bên viện trợ quân sự nhiều nhất cho Ukraine với cam kết trị giá hơn 43,7 tỷ USD. Mỹ ban đầu chuyển vũ khí cá nhân, sau đó viện trợ pháo phản lực HIMARS, tổ hợp tên lửa phòng không Patriot, thiết giáp hạng nặng M2 Bradley, xe tăng chủ lực M1 Abrams và gần đây cam kết huấn luyện phi công F-16 cho Ukraine.