Theo đài Sputnik (Nga), súng cối tự hành 2S4 Tyulpan (còn được gọi là Tulip) là loại vũ khí có nguồn gốc từ những năm 1950. Vào tuần trước, quân đội Nga đã công bố một đoạn video cho thấy hệ thống súng cối hạng nặng 2S4 Tylupan tấn công các cứ điểm kiên cố của Ukraine với sự hỗ trợ của một máy bay không người lái do thám.
Vậy loại vũ khí này có những đặc điểm nổi bật gì? Và điều gì khiến nó trở nên nguy hiểm đến vậy?
Sự khác biệt giữa súng cối và lựu pháo
Súng cối là một loại pháo được thiết kế để phóng đạn ở quỹ đạo tầm cao. Các loại vũ khí này có thể di động và nhỏ gọn, bắn đạn nhỏ, yêu cầu sử dụng xe chở súng cối, có thể là khung gầm xe tải hoặc khung gầm bánh xích hạng nặng. Thông thường, súng cối càng lớn thì tầm bắn hiệu quả càng xa và lượng đạn càng lớn.
Trong khi các loại súng cối nhỏ hơn, cơ động như M224 của Mỹ có tầm bắn chỉ vài km, Tyulpan có thể bắn chính xác các loại đạn lớn ở khoảng cách từ 9,6 km đến 20 km. Phiên bản 2S4 mới hơn sử dụng đạn đặc biệt, có tầm bắn xa hơn.
Do đó, 2S4 gần như vượt qua định nghĩa tiêu chuẩn của súng cối - thường có khả năng bắn tầm ngắn và tiếp cận các mục tiêu trong phạm vi gần hơn súng hạng nặng và pháo, có tầm bắn dao động từ 20 đến 30 km và có thể bắn đạn pháo nặng, đến vài trăm kg.
Do thiết kế bắn ở tầm xa, lựu pháo có quỹ đạo tối đa thấp hơn so với súng cối, thường là 70 và 75 độ. Quỹ đạo này có nghĩa là có một “vùng chết” nguy hiểm mà lựu pháo không thể khai hỏa, khiến chúng dễ bị đối phương tấn công khi đến quá gần.
Súng cối 2S4 là gì, số lượng mà Nga sỡ hữu
2S4 Tyulpan là súng cối tự hành có uy lực mạnh nhất thế giới, với cỡ nòng 240 mm có khả năng bắn đạn nổ thông thường có trọng lượng từ 130 kg đến 230 kg, dẫn đường bằng laser, đạn xuyên giáp và đạn chùm tùy chỉnh. Thậm chí 2S4 Tyulpa có thể mang cả vũ khí hạt nhân chiến thuật trên chiến trường.
Hệ thống này được thiết kế và chế tạo vào cuối những năm 1960 tại Xí nghiệp quốc phòng và đường sắt Uraltransmash ở Omsk, Siberia, bởi nhà thiết kế pháo tự hành và xe tăng kỳ cựu Georgy Sergeevich Efimov. Ông Efimov cũng là “cha đẻ” của các thiết kế khác – bao gồm pháo chống tăng, pháo phòng không tự hành, và lựu pháo tự hành 2S3 Akatsiya.
Từ năm 1969 đến 1988, xí nghiệp này đã sản xuất 580 hệ thống Tyulpan. Các hệ thống này được đưa vào biên chế cho quân đội Liên Xô vào năm 1972.
Ngoài Nga, các nước cộng hòa thuộc Liên Xô khác, như Tiệp Khắc, cũng sử dụng Tyulpan. Một số hệ thống đã được xuất khẩu sang Iraq, Libya và Syria.
Nga ước tính có khoảng 390 hệ thống Tyulpan trong kho và 40 hệ thống hoạt động vào năm 2021. Giá của một hệ thống Tyulpan hiện nay ở khoảng 1,7 triệu USD.
Hệ thống 2S4 Tylupan sử dụng súng M-420 – súng cối kéo của Liên Xô, phát triển ngay sau Thế chiến thứ 2 và được sản xuất trong phổ biến những năm 1950. Biến thể kéo của loại súng này phần lớn đã bị loại bỏ, tuy nhiên Iraq, Syria và Ukraine được cho là vẫn đang sở hữu số lượng hệ thống không xác định trong kho vũ khí.
Tyulpan được chế tạo trong Chiến tranh Lạnh, khi NATO và khối Hiệp ước Warsaw đối đầu với nhau ở trung tâm Trung Âu. Loại vũ khí này được thiết kế để hỗ trợ hệ thống phòng thủ Đông Âu. Song khi tạo ra loại vũ khí này, các nhà hoạch định quân sự Liên Xô và ông Efimov khó có thể tưởng tượng rằng một ngày nào đó, nó sẽ được sử dụng trong cuộc xung đột ở Ukraine, nước từng thuộc Liên Xô.
Ngoài Tyulpan, Nga còn sử dụng hệ thống súng cối nào khác?
Trong Chiến tranh thế giới thứ 2, Liên Xô đã trở thành cường quốc sản xuất pháo và súng cối hàng đầu thế giới, trong đó có các bệ phóng tên lửa BM-13 và BM-31 Katyusha huyền thoại, súng cối 160mm và 280mm, súng chống tăng và các hệ thống pháo binh khác.
Trong những thập kỷ sau Chiến tranh thế giới thứ 2, các nhà sản xuất vũ khí của Liên Xô và Nga đã chế tạo hàng chục loại súng cối, súng, lựu pháo và súng hải quân khác nhau. Ngày nay, kho súng cối của Quân đội Nga bao gồm súng cối 2B9 Vasilek 82 mm, súng cối hạng nhẹ 2B11 và 2B14, súng cối hạng nặng 2S12 Sani 120 mm và 2S9 Nona – hệ thống súng cối gắn trên xe bọc thép BTR-D có thể thả dù để hỗ trợ các chiến dịch phía sau phòng tuyến của đối phương.
Loại súng cối tối tân nhất trong kho vũ khí của Mỹ là gì?
Các nhà hoạch định của Lầu Năm Góc thường tập trung phát triển các hệ thống máy bay chiến đấu và máy bay ném bom tầm xa hơn là súng cối.
Súng cối của Quân đội Mỹ nói chung là các hệ thống nhỏ hơn, tầm bắn ngắn hơn được bộ binh sử dụng, chẳng hạn súng cối hỗ trợ bộ binh hạng nhẹ M19 - nòng trơn, nạp đạn bằng đầu nòng và M252 - loại súng cối do Anh thiết kế được sử dụng để bắn gián tiếp tầm xa.
Mỹ sở hữu ít nhất 1.000 khẩu súng cối 120mm Soltam K6 do Israel thiết kế. Hệ thống này có khả năng bắn đạn nổ mạnh nặng 14 kg ở khoảng cách lên tới 7,2 km. Cuối cùng là hệ thống súng cối hạng nhẹ M224 60 mm (LWCMS), bắn đạn pháo 6,5-6,9 kg có trọng lượng khoảng 21 kg.