Dù khi công bố tài liệu trên tại trụ sở Bộ Quốc phòng Mỹ ở thủ đô Washington, Tổng thống Trump không trực tiếp đề cập đến mối đe dọa tên lửa của Triều Tiên, song tài liệu trên nêu rõ: “Dù đã có lộ trình hướng tới hòa bình với Triều Tiên, nhưng nước này vẫn tỏ ra là mối đe dọa đặc biệt và Mỹ cần phải hết sức cảnh giác”. Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan cũng khẳng định tên lửa của Triều Tiên là "rất đáng lo ngại".
Việc báo cáo trên được công bố vào thời điểm này dường như sẽ gây sức ép cho Tổng thống Trump, người đang tìm cách làm mới lại nỗ lực nhằm thuyết phục Triều Tiên từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân. MDR được công bố đúng ngày Phó Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên, ông Kim Yong-chol đến Washington để thảo luận các kế hoạch cho cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai. Dự kiến, ông Kim Yong-chol sẽ gặp Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trong ngày 18/1 và có thể gặp cả Tổng thống Donald Trump.
Tại cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên ngày 12/6/2018 tại Singapore, Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã nhất trí hướng tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn, đổi lại các đảm bảo an ninh từ phía Mỹ. Sau cuộc gặp này, ông Trump tuyên bố "Không còn mối đe dọa hạt nhân Triều Tiên". Tuy nhiên, kể từ đó tới nay, các cuộc đàm phán hạt nhân giữa hai bên vẫn bế tắc. Triều Tiên mong muốn Mỹ dỡ bỏ trừng phạt và ký hiệp định hòa bình kết thúc Chiến tranh Triều Tiên đồng thời với các bước phi hạt nhân hóa. Tuy nhiên, Washington nhấn mạnh duy trì các trừng phạt cho tới khi đạt phi hạt nhân hóa hoàn toàn.
Bên cạnh Triều Tiên, MDR cũng nêu những quan ngại về các năng lực ngày càng lớn mạnh của Iran, Nga và Trung Quốc trong lĩnh vực tên lửa. MDR khuyến cáo Mỹ nên nghiên cứu các công nghệ thực nghiệm, trong đó có vũ khí đặt trên không gian có thể bắn hạ các tên lửa của kẻ thù. Chiến lược này gợi nhớ tới sáng kiến "Chiến tranh giữa các vì sao" của Tổng thống Ronald Reagan những năm 1980. MDR kêu gọi đầu tư phát triển hệ thống cảm biến đặt trên không gian có thể phát hiện và theo dõi tốt hơn tên lửa của kẻ thù đang bay đến Mỹ, nhất là các tên lửa sử dụng công nghệ siêu thanh - lĩnh vực mà Trung Quốc đã đạt được những bước tiến lớn, trong khi Nga cũng đang tích cực phát triển.
Việc MDR công khai các kế hoạch của Mỹ nhằm đối trọng với các tiến bộ về công nghệ của Nga và Trung Quốc được cho là lời cảnh báo với các nước này, động thái cũng đánh dấu sự đảo ngược cách tiếp cận của Tổng thống tiền nhiệm Barack Obama là giảm bớt lo ngại của các cường quốc hạt nhân về việc mở rộng hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ.
Phát biểu tại Nhà Trắng, ông Trump tuyên bố: "Mục đích của chúng tôi rất đơn giản: đảm bảo rằng chúng ta có thể phát hiện và phá hủy bất cứ tên lửa nào chống lại Mỹ ở bất cứ đâu, bất cứ khi nào". Theo ông Trump, nước Mỹ từ nay sẽ thay đổi bố trí phòng thủ để "tự vệ trước mọi vụ tấn công tên lửa, bao gồm cả tên lửa hành trình và siêu thanh".
Trong một diễn biến liên quan, Trung Quốc và Nga đã lên tiếng phản ứng về bản đánh giá trên. Tờ Thời báo toàn cầu của Trung Quốc số ra ngày 18/1 cho rằng hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ chỉ là "một dự án giữ thể diện", không làm Nga và Trung Quốc lo ngại. Bài xã luận trên báo này viết rằng tiến bộ của Nga và Trung Quốc trong việc phát triển các tên lửa siêu thanh đã khiến khiến hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ không còn mạnh như họ mong muốn. Trong khi đó, hãng thông tấn Interfax của Nga dẫn lời nghị sĩ Nga, ông Viktor Bondarev cảnh báo chiến lược mới của Mỹ sẽ làm gia tăng căng thẳng toàn cầu.
Liên quan đến năng lực tên lửa của Iran, MDR cho rằng Iran sở hữu sức mạnh tên lửa đạn đạo lớn nhất ở Trung Đông. Báo cáo nêu rõ: "Mong muốn của Iran có một đối trọng chiến lược với Mỹ có thể là động lực để họ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM)".