Trong khi thế giới đang tập trung vào chiến sự ở Gaza, căng thẳng lại gia tăng ở Bờ Tây, nơi 55 người Palestine thiệt mạng kể từ 7/10 do đụng độ với quân đội Israel và người định cư Do Thái.
Các quan sát viên của Liên hợp quốc nhận định đây là tuần nguy hiểm nhất đối với người Palestine tại vùng lãnh thổ này kể từ năm 2005. Hãng thông tấn AP (Mỹ) đưa tin riêng ngày 13/10 đã có 16 người Palestine thiệt mạng trong các vụ việc khác nhau ở Bờ Tây.
Bộ trưởng An ninh Quốc gia Israel Itamar Ben-Gvir đã đáp trả cuộc tấn công của lực lượng Hamas bằng cách phân phát thêm vũ khí cho những người định cư vốn đã được trang bị đầy đủ vũ khí tại Bờ Tây. Trong một tuyên bố đầu tuần này, ông tiết lộ đang phân phối 10.000 khẩu súng cũng như thiết bị chiến đấu, áo khoác bảo hộ và mũ bảo hiểm cho người dân Israel, đặc biệt tập trung vào cư dân tại khu định cư ở Bờ Tây.
Israel chiếm đóng Bờ Tây từ năm 1967. Kể từ đó, nước này đã xây dựng và mở rộng nhiều khu định cư. Cộng đồng quốc tế coi các khu định cư của Israel ở Bờ Tây là bất hợp pháp vì xây dựng trên phần đất bị Israel chiếm đóng trong cuộc chiến tranh Trung Đông 1967.
Theo Hiệp ước Oslo được ký kết giữa Israel và Palestine năm 1993, Bờ Tây được chia thành 3 khu vực, trong đó khu A hoàn toàn dưới quyền kiểm soát hành chính và an ninh của Chính quyền Palestine (PA), khu C thuộc kiểm soát của Israel, khu B do PA kiểm soát hành chính nhưng chia sẻ kiểm soát an ninh với Israel. Tuy nhiên, kênh Al Jazeera cho biết Israel tiếp tục chiếm đóng đất của người Palestine và từ chối rút quân khỏi phần lớn Bờ Tây đồng thời tiến hành các cuộc tấn công vào vùng đất được coi là thuộc quyền quản lý hoàn toàn của PA.
Vào thời điểm Hiệp ước Oslo được ký kết cách đây 30 năm, chỉ có hơn 110.000 người định cư Do Thái sống ở Bờ Tây, bao gồm cả Đông Jerusalem. Ngày nay, con số này là hơn 700.000 người.
Israel duy trì hiện diện an ninh lớn ở Bờ Tây với mạng lưới các trạm kiểm soát thường trực và tạm thời do quân đội và cảnh sát biên giới bán quân sự thiết lập. Quân đội Israel không tiết lộ số lượng trạm kiểm soát hoặc vị trí của chúng.
Các cơ quan quốc tế đã cố gắng theo dõi các trạm kiểm soát, vốn là trở ngại lớn cho cuộc sống thường nhật của người dân Palestine nơi đây. Văn phòng điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) đã đếm được 645 trạm kiểm soát tại Bờ Tây trước khi xung đột bùng phát hôm 7/10.
Từng có nhiều trường hợp tấn công và phóng hỏa nhằm vào người Palestine cùng tài sản của họ gần các khu định cư ở Bờ Tây và quân đội Israel không có bất kỳ nỗ lực nào nhằm ngăn chặn.
Hầu hết người dân Palestine cho biết có hai khía cạnh bạo lực: một là sự quấy rối từ quân đội Israel và hai là từ sự căm thù của người định cư, vốn không giống như những công dân khác của Israel, có thể mang theo vũ khí một cách hợp pháp và công khai.
Các trạm kiểm soát của Israel đòi hỏi khá nhiều nhân lực. Theo Al Jazeera, quân đội Israel bố trí một đội gồm ít nhất 10 đến 20 binh sĩ trên “trạm kiểm soát ngẫu nhiên” nhỏ nhất. Ngoài binh sĩ kiểm tra hành khách và phương tiện, trạm kiểm soát ngẫu nhiên cần thêm quân số để quan sát giao thông ra vào cũng như trinh sát rộng hơn khu vực xung quanh.
Đối với phản ứng vũ trang, cần có ít nhất hai đội điều khiển hệ thống vũ khí vận hành trên phương tiện để đảm bảo an ninh vành đai và một đội bộ binh phản ứng nhanh. Một trạm kiểm soát có thể hoạt động 24/24 khi cần thiết với 2 ca trực thay phiên nhau. Tuy nhiên, sau một hoặc hai tuần dài, mệt mỏi bắt đầu xuất hiện và có thể gây mất cảnh giác. Các chỉ huy sẽ yêu cầu ca thứ ba ngay khi có đủ quân dự bị. Như vậy, để duy trì trạm kiểm soát đơn giản nhất, Israel cần ít nhất 50 nhân sự. Những trạm kiểm soát lớn hơn có thể cần hàng trăm nhân sự.
Trong khi đó, quân đội Israel đã huy động 100.000 quân, cùng 300.000 quân dự bị kể từ ngày 7/10. Ngày 14/10, người phát ngôn quân đội Israel - Chuẩn Đô đốc Daniel Hagari nói: “Trách nhiệm về an ninh trong các khu định cư và trên các con đường chỉ thuộc về quân đội”.