Kỷ niệm ngày Thành lập QĐND Việt Nam và ngày Quốc phòng toàn dân 22/12:

Đẩy mạnh xây dựng nền quốc phòng toàn dân

Trong suốt chiều dài lịch sử cách mạng nước ta, việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân luôn là nền tảng quan trọng, là cơ sở làm nên những thắng lợi to lớn của quân và dân ta.

Trong tình hình mới, nền quốc phòng toàn dân càng phải được tăng cường xây dựng, nhằm giữ vững hòa bình, ổn định, sẵn sàng đánh bại mọi hành động xâm lược và âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, bảo vệ thành quả cách mạng, góp phần xây dựng đất nước.

Đòi hỏi từ thực tiễn

Lịch sử cánh mạng nước ta đã chứng minh: Chiến tranh nhân dân là quy luật đấu tranh chống xâm lược của dân tộc Việt Nam. Theo Đại tướng Hoàng Văn Thái, “chiến tranh nhân dân Việt Nam có đặc trưng chủ yếu là “lấy tư tưởng chiến lược tiến công làm lõi, là toàn dân đánh địch, tiến công địch một cách toàn diện, kết hợp chặt chẽ đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, kết hợp chặt chẽ giữa vũ trang khởi nghĩa với chiến tranh, kết hợp tiền tuyến lớn với hậu phương lớn…”.


Lực lượng vũ trang Quân khu 4 diễu binh nhân kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống. Ảnh: Thanh Tùng-TTXVN

Triển khai, vận dụng quan điểm này đã góp phần mang đến sự thành công của quân và dân ta trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Chỉ có huy động sức mạnh tổng lực của toàn dân, mới có thể xây dựng nền quốc phòng toàn dân thực sự vững mạnh, làm nền tảng cho ổn định chính trị - xã hội, bảo vệ thành quả cách mạng và phát triển đất nước.

Theo đánh giá của Đại tướng Đỗ Bá Tỵ, Ủy viên BCH TW Đảng, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, những năm qua, sự nghiệp xây dựng nền quốc phòng toàn dân đã đạt nhiều kết quả tích cực. Trong đó, có việc xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của đất nước được giữ vững. Công tác giáo dục, bồi dưỡng, phổ biến kiến thức quốc phòng và an ninh tốt đã tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Các ngành, các địa phương coi trọng kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng - an ninh, góp phần nâng cao khả năng huy động nguồn lực của đất nước cho nhiệm vụ quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc.

Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng cao; Quy chế Dân chủ ở cơ sở được thực hiện rộng khắp, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng “thế trận lòng dân” ngày càng vững chắc. Trong khi đó, lực lượng vũ trang ba thứ quân (bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân tự vệ) được xây dựng ngày càng vững mạnh, thực sự là lực lượng nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân; cán bộ, chiến sĩ có bản lĩnh chính trị vững vàng, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, trong đó có việc thực hiện tốt nhiệm vụ phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, cứu hộ, cứu nạn; tích cực tham gia giúp đỡ nhân dân xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới,...

Hiện nay, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đang đứng trước nhiều thách thức mới. Các thế lực thù địch tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động chống phá bằng chiến lược “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, “phi chính trị hóa”. Trong khi đó, nhận thức về nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân còn chưa đầy đủ. Việc kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng - an ninh còn chưa chặt chẽ; khả năng huy động các tiềm lực của đất nước cho nhiệm vụ quốc phòng - an ninh còn bất cập. Đặc biệt, tình hình Biển Đông vẫn tiềm ẩn nguy cơ khó lường, không loại trừ khả năng có đột biến.

Tình hình đó đòi hỏi việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân theo Chiến lược bảo vệ tổ quốc (Nghị quyết TƯ 8 khoá XI) cần được tiến hành bài bản, hướng tới thực chất, với các giải pháp đồng bộ.

Những giải pháp cơ bản


Theo Trung tướng, PGS,TS Trần Thái Bình, xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong tình hình mới phải toàn diện trên các mặt, nhưng cần tập trung vào các nội dung trọng tâm, nhất là về xây dựng tiềm lực, lực lượng và thế trận quốc phòng toàn dân. Việc xây dựng tiềm lực quốc phòng hiện nay cần tập trung trước hết vào xây dựng tiềm lực chính trị - tinh thần; trong đó, hết sức coi trọng công tác xây dựng hệ thống chính trị các cấp, nhất là tổ chức đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, “thế trận lòng dân” vững chắc. Đối với tiềm lực kinh tế, cần tập trung đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng kết hợp với nâng cao khả năng dự trữ cơ sở vật chất kỹ thuật để sẵn sàng huy động cho quốc phòng khi cần thiết. Kết hợp giữa phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng - an ninh.

Bên cạnh đó, cần chú trọng lực lượng nòng cốt là lực lượng vũ trang, đồng thời chú ý đến tính rộng khắp là toàn dân để sẵn sàng mở rộng lực lượng, tiến hành chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc khi cần thiết.

Một giải pháp không kém phần quan trọng trong tình hình hiện nay là chú trọng mở rộng việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong các tổ chức xã hội, tầng lớp nhân dân và cơ sở kinh tế, bao gồm cả cơ sở kinh tế tư nhân, kinh tế có vốn đầu tư của nước ngoài. Muốn làm như vậy, cần thực hiện từng bước, thận trọng với những nội dung, phương thức phù hợp cho từng lực lượng, ngành và lĩnh vực; tránh triển khai tràn lan theo kiểu “phong trào”. Riêng các nội dung có tính đặc thù về quân sự, quốc phòng, cần có hình thức, phương pháp riêng và do các lực lượng chuyên môn, chuyên trách thực hiện.

Đặc biệt, trong tình hình hiện nay, cần chú ý kết hợp chặt chẽ giữa xây dựng nền quốc phòng toàn dân với đấu tranh quốc phòng, bảo vệ tổ quốc. Các cấp, ngành, lực lượng và địa phương phải thường xuyên nắm chắc tình hình; xác định rõ đối tượng, đối tác; đánh giá và dự báo đúng các tình huống phức tạp có thể xảy ra, nhất là trên các vùng biển, đảo, biên giới và địa bàn trọng điểm về quốc phòng - an ninh để chủ động xây dựng lực lượng và thế trận của nền quốc phòng toàn dân phục vụ cho đấu tranh quốc phòng giành thắng lợi.
Thái Hòa (tổng hợp)
Phối hợp xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh
Phối hợp xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh

Sáng 29/7, đoàn công tác của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã làm việc với Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam nhằm đánh giá kết quả phối hợp và thống nhất hành động của Quân đội nhân dân Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong thời gian qua..

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN