Phát biểu họp báo, quan chức cấp cao EU cho biết mục đích của gói ngân sách bổ sung này là bù vào khoản cắt giảm chi tiêu quốc phòng do khủng hoảng tài chính trước đây. Ông Borrell nêu rõ: “Đây là kế hoạch phục hồi sau nhiều năm cắt giảm chi tiêu quốc phòng do khủng hoảng tài chính và kế hoạch này là nhằm bảo đảm các lực lượng vũ trang của chúng tôi thực sự có đủ khả năng sẵn sàng đối mặt với những thách thức”.
Đầu tháng 9, Ủy viên châu Âu phụ trách thị trường nội khối Thierry Breton công bố tổng chi tiêu quốc phòng của EU mới chỉ tăng 20% trong vòng 20 năm qua.
Trước đó, Cơ quan Quốc phòng châu Âu (EDA) hôm 6/12/2021 xác nhận trong năm 2020, các quốc gia thành viên EU đã chi tổng cộng gần 200 tỷ euro cho lĩnh vực quốc phòng. Đây là mức chi tiêu quốc phòng kỷ lục kể từ khi con số này bắt đầu được thống kê vào năm 2006, song đầu tư chung của các nước trong khối lại giảm.
Theo EDA, tổng chi tiêu quốc phòng của các quốc gia thành viên EU - ngoại trừ Đan Mạch do không tham gia các dự án quân sự của khối - là 198 tỷ USD, tăng 5% so với mức của năm 2019. Khoản tiền này chiếm 1,5% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của 27 quốc gia thành viên EU.
Tuy nhiên, báo cáo của EDA cũng ghi nhận tình trạng sụt giảm trong khoản chi tiêu chung của các quốc gia thành viên EU, bất chấp các nước này đã ký hiệp ước hồi cuối năm 2017 nhằm củng cố nguồn lực và chấm dứt cạnh tranh giữa các ngành, vốn được cho là nguyên nhân làm suy yếu những nỗ lực cải thiện lĩnh vực quốc phòng của khối.
Cũng theo báo cáo, năm 2020, các nước EU chủ yếu ký thỏa thuận mua trang thiết bị quốc phòng riêng lẻ. Trong khi đó, hiệp ước quốc phòng chung EU năm 2017 quy định hơn 33% thỏa thuận mua trang thiết bị quốc phòng phải được ký kết giữa các nước thành viên EU. EDA còn cho rằng đầu tư vào nghiên cứu và công nghệ trong lĩnh vực quốc phòng của các nước thành viên EU vẫn còn rời rạc và thiếu hợp tác.