Trong bối cảnh đó, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, cấp ủy, chỉ huy các cấp đã lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ, nghị quyết, kết luận về các chiến lược quân sự, quốc phòng. Trong đó, có Nghị quyết số 24-NQ/TW về Chiến lược quốc phòng Việt Nam; Kết luận số 31-KL/TW về Chiến lược quân sự Việt Nam; Nghị quyết số 29-NQ/TW về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng; Nghị quyết số 33-NQ/TW về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia.
Kịp thời tham mưu, xử lý thắng lợi các tình huống
Theo đó, công tác lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, thực hiện nghị quyết, kết luận được triển khai đồng bộ, chặt chẽ, nghiêm túc; nhận thức về đối tác, đối tượng, nhiệm vụ quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc ngày càng sâu sắc hơn. Đảng, Nhà nước ban hành nhiều nghị quyết, kết luận, chiến lược, đề án, hệ thống pháp luật, góp phần hoàn thiện đường lối, cơ chế, chính sách, đáp ứng tốt hơn nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, các cơ quan, đơn vị quân đội đã cụ thể hóa các nội dung nhiệm vụ, giải pháp của chiến lược vào xây dựng các chiến lược chuyên ngành, xây dựng chương trình hành động, kế hoạch triển khai thực hiện của cơ quan, đơn vị.
Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, cấp ủy, chỉ huy các cấp trong toàn quân luôn quán triệt, nắm vững và tổ chức thực hiện hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quân sự, quốc phòng; chủ động nghiên cứu, nắm, đánh giá, dự báo đúng tình hình, kịp thời tham mưu với Đảng, Nhà nước có chủ trương, đối sách xử lý thắng lợi các tình huống, kể cả tình huống trên không, trên biển, biên giới nội địa và trên không gian mạng; chủ động các phương án tham gia phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, giúp dân khắc phục hậu quả. Chỉ tính riêng năm 2023, Quân đội đã điều động gần 80.000 lượt bộ đội và dân quân tự vệ, với gần 3.000 phương tiện giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai.
Bên cạnh đó, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tham mưu với Bộ Chính trị tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc. Đây là cơ sở quan trọng để Trung ương ban hành Nghị quyết Trung ương 8 khóa XIII về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; tham mưu với Đảng, Nhà nước ban hành các chiến lược, nghị quyết, các luật quan trọng về quân sự, quốc phòng.
Phát huy tốt vai trò nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương chỉ đạo, phát huy sức mạnh tổng hợp, huy động hiệu quả các nguồn lực xây dựng, củng cố nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, góp phần tăng cường tiềm lực quốc phòng của đất nước.
Tập trung xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, giữ vững bản chất cách mạng, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân, các cấp ủy, tổ chức đảng trong Đảng bộ Quân đội triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII, XIII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với thực hiện Chỉ thị số 05, Kết luận số 01 của Bộ Chính trị, Chỉ thị số 87 của Thường vụ Quân ủy Trung ương về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Nghị quyết số 847 của Quân ủy Trung ương về phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới.
Toàn quân quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm các nghị quyết, chỉ thị, quy định, kết luận, hướng dẫn của Trung ương, Quân ủy Trung ương về công tác cán bộ; tiếp tục chủ động, tiên phong trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, cơ hội, phản động, giữ vững trận địa tư tưởng của Đảng trong toàn quân.
Việc tổ chức lực lượng, xây dựng Quân đội theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, kết luận, nghị quyết của Bộ Chính trị về tổ chức Quân đội nhân dân giai đoạn 2021-2030 và những năm tiếp theo được chỉ đạo quyết liệt, triển khai bài bản, chắc chắn. Theo đó, quyết liệt chỉ đạo thực hiện giảm 10% biên chế quân số cơ quan cấp chiến dịch, chiến lược, giảm đầu mối trung gian và đơn vị phục vụ, bảo đảm; ưu tiên quân số cho các đơn vị sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Chỉ đạo nghiêm túc việc nâng cao chất lượng huấn luyện, diễn tập, hội thao, hội thi ở tất cả các cấp; tổ chức hệ thống nhà trường quân đội theo hướng tinh, gọn, chuẩn hóa, hiện đại hóa, bảo đảm nội dung đào tạo cơ bản, toàn diện, hệ thống, thiết thực; lãnh đạo thực hiện tốt công tác hậu cần, kỹ thuật, công nghiệp quốc phòng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Đồng thời, các giải pháp xây dựng lực lượng tác chiến không gian mạng chính quy, tinh nhuệ, hiện đại được triển khai đồng bộ, để lực lượng này thực sự là nòng cốt trong bảo vệ chủ quyền không gian mạng quốc gia; xây dựng Chính phủ điện tử và chuyển đổi số đạt nhiều kết quả tích cực.
Các lực lượng chức năng quản lý, bảo vệ biên giới thực hiện nghiêm nhiệm vụ bảo vệ biên giới trên bộ, trên biển; chủ động đấu tranh phòng, chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại trên các tuyến biên giới; tăng cường tuần tra, kiểm soát, giám sát các hoạt động trên biển; tuyên truyền, ngăn chặn tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài, bảo đảm an toàn các hoạt động kinh tế biển.
Công tác hội nhập quốc tế, đối ngoại quốc phòng có nhiều đổi mới, sáng tạo, đi vào chiều sâu, cả trên bình diện song phương và đa phương, góp phần làm sâu sắc thêm quan hệ hữu nghị với các nước; chủ động tham gia các diễn đàn quân sự, quốc phòng đa phương, nâng cao uy tín, vị thế của đất nước, quân đội trên trường quốc tế.
Đặc biệt, việc tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc là một điểm sáng của đối ngoại quốc phòng Việt Nam. Sau gần 10 năm triển khai lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, Việt Nam đã cử 786 lượt cán bộ, nhân viên đi thực hiện nhiệm vụ tại các phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc ở cả hình thức cá nhân và đơn vị. Các lực lượng của Việt Nam được triển khai luôn phát huy tốt vai trò, trách nhiệm trên cương vị, chức trách được giao, được Liên hợp quốc và bạn bè quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.
Năm 2023, Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch Mạng lưới các Trung tâm Gìn giữ hòa bình ASEAN và đã tổ chức thành công các hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị. Cùng với đó, Việt Nam và Nhật Bản đồng chủ trì Chương trình đánh giá năng lực cho lực lượng chuẩn bị tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc Nhóm chuyên gia Gìn giữ hòa bình Chu kỳ 4 (2021-2023); chủ trì tổ chức Diễn tập song phương về gìn giữ hòa bình với Ấn Độ.
Việc tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc đã góp phần khẳng định Việt Nam là thành viên có trách nhiệm của Liên hợp quốc đối với cộng đồng quốc tế. Nỗ lực của Việt Nam trong thực hiện trách nhiệm của quốc gia thành viên đối với lĩnh vực gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc sẽ góp phần thiết thực vào việc giải quyết các vấn đề an ninh, bảo vệ hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới; đồng thời, thúc đẩy quan hệ hợp tác với các nước, nâng cao uy tín, vị thế của Quân đội và tạo dựng môi trường quốc tế thuận lợi để xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Thực hiện tốt, toàn diện các nhiệm vụ
Để tiếp tục thực hiện tốt, toàn diện các nhiệm vụ trong thời gian tới, về phương hướng, Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng yêu cầu cấp ủy, chỉ huy các cấp trong toàn quân tập trung quán triệt, nắm vững đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Nghị quyết Trung ương 8 khóa XIII về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, tiếp tục triển khai có hiệu quả các nghị quyết, chiến lược, đề án đã ban hành; chủ động nghiên cứu, nắm, đánh giá, dự báo đúng tình hình, kịp thời tham mưu với Đảng, Nhà nước có chủ trương, đối sách xử lý thắng lợi các tình huống trên không, trên biển, biên giới và nội địa.
Song song với việc phát huy tốt vai trò nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, toàn quân tập trung xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị; chỉ đạo thực hiện tốt công tác chính trị tư tưởng trong tình hình mới; xây dựng cho cán bộ, chiến sĩ có bản lĩnh chính trị kiên định vững vàng, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân; có ý chí quyết tâm chiến đấu cao, sẵn sàng nhận và hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao.
Đồng thời, Quân đội tiếp tục thực hiện việc điều chỉnh tổ chức theo Nghị quyết số 05 của Bộ Chính trị về tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam giai đoạn 2021-2030 và những năm tiếp theo; điều chỉnh tổ chức Quân đội theo đúng lộ trình đã xác định; thường xuyên đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện, giáo dục, đào tạo; đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển, ứng dụng khoa học, công nghệ trong các hoạt động của quân đội; tiếp tục thực hiện tốt công tác hậu cần, kỹ thuật, công nghiệp quốc phòng.
Nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia cần tiếp tục được thực hiện tốt, đặt trong tổng thể hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; tập trung xây dựng, củng cố cơ sở chính trị vững mạnh, tạo nền tảng vững chắc xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân và thế trận biên phòng toàn dân ở khu vực biên giới; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác nghiên cứu, dự báo tình hình, bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.
Quân đội sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả Kết luận của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế, đối ngoại quốc phòng đến năm 2030 và những năm tiếp theo; nâng cao chất lượng hợp tác quốc phòng song phương, đa phương; tham gia tích cực, có trách nhiệm các hoạt động quốc phòng, diễn đàn đa phương, hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc; đẩy mạnh hợp tác quốc tế về khắc phục hậu quả chiến tranh, rà phá bom mìn, xử lý chất độc hóa học; phối hợp với quân đội các nước trong ứng phó các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống.