Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gửi thông điệp chào mừng Hội nghị. Chiều 23/6, Thượng tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng đoàn Việt Nam đã có bài phát biểu tại Phiên toàn thể 2 của Hội nghị.
Qua 9 lần tổ chức, Hội nghị An ninh quốc tế Moscow tiếp tục khẳng định là một diễn đàn hàng đầu tại khu vực, đóng góp vào việc duy trì, thúc đẩy hòa bình, ổn định, an ninh tại châu Á - Thái Bình Dương và thế giới.
Hội nghị An ninh quốc tế Moscow lần thứ 9 gồm 5 phiên toàn thể với chủ đề: Sự ổn định chiến lược: chuyển đổi và triển vọng; Khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong bối cảnh chính trị toàn cầu; Hợp tác quân sự và kỹ thuật - quân sự giữa Liên bang Nga và các nước Trung Đông - châu Phi như một yếu tố chính trong việc củng cố an ninh khu vực; Sự phối hợp hành động về quân sự như một yếu tố trong đấu tranh chống các thách thức và mối đe dọa khu vực tại Mỹ - Latin và Tây bán cầu; An ninh châu Âu: các xu hướng và triển vọng.
Ngoài ra, Hội nghị có hai phiên hội thảo chuyên đề: Vai trò của các cơ quan quốc phòng trong đấu tranh chống COVID-19 và An ninh thông tin: các vấn đề và giải pháp.
Đánh giá cao những chủ đề mà Ban Tổ chức đưa ra tại Hội nghị, Thượng tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng đoàn Việt Nam có bài phát biểu tại Phiên toàn thể 2 xoay quanh nội dung chính về “Các quan điểm chiến lược về an ninh khu vực”.
Theo Thượng tướng Phan Văn Giang, trong bối cảnh, tình hình quốc tế và khu vực đang có nhiều diễn biến nhanh chóng, khó lường, việc đề cập đến những quan điểm chiến lược về an ninh khu vực là hết sức thiết thực, thể hiện nhận thức của các quốc gia trước những thách thức to lớn cần phải vượt qua; đồng thời, phản ánh mong muốn duy trì môi trường hòa bình, ổn định, làm tiền đề cho hợp tác, phát triển.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam khẳng định: Trật tự thế giới từ sau năm 1945 góp phần đảm bảo hòa bình, ổn định là xu thế chủ yếu, làm cơ sở để nền kinh tế toàn cầu gặt hái nhiều thành tựu to lớn. Nhiều quốc gia trong khu vực đã có những phát triển như vũ bão, trở thành những “câu chuyện thành công”, góp phần đưa châu Á - Thái Bình Dương là động lực của tăng trưởng toàn cầu và đi đầu trong liên kết kinh tế, là trọng tâm chiến lược toàn cầu.
Tuy nhiên, khu vực này cũng đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn với các vấn đề có tính chất toàn cầu, bao gồm cả thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống như tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, mâu thuẫn sắc tộc, tôn giáo, khủng bố, an ninh mạng, thảm họa thiên tai...
“Đặc biệt, từ đầu năm 2020 tới nay, cả thế giới đang phải gồng mình để ứng phó với một mối đe dọa chưa từng có trong lịch sử do đại dịch COVID-19 gây ra. Đứng trước những thách thức này khiến chúng ta không khỏi quan ngại, song chúng ta có cơ sở để lạc quan về những điều tốt đẹp mà xu thế hợp tác, đối thoại cũng như các cơ chế đa phương nhiều tầng nấc trong khu vực mang lại”, Trưởng đoàn Việt Nam nhấn mạnh.
Theo đó, trong lĩnh vực quốc phòng, không thể không nhắc tới các cơ chế do ASEAN làm chủ đạo, điển hình như Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+). Được hình thành chưa lâu, nhưng ADMM+ đã có những đóng góp quan trọng cho hòa bình, ổn định của khu vực với tư cách là diễn đàn chia sẻ về quốc phòng - an ninh cũng như cơ chế thúc đẩy hợp tác thực chất. Từ cơ chế này, nhiều đề xuất, hoạt động hợp tác thực chất đã được triển khai hướng tới hành động tập thể đối phó với những thách thức chung, nhất là các thách thức an ninh phi truyền thống.
Trưởng đoàn Việt Nam nhấn mạnh vai trò của Liên Xô trong Chiến tranh Thế giới lần thứ II và đánh giá cao vai trò hiện nay của Liên bang Nga trong khu vực, đặc biệt trong hợp tác trong khuôn khổ ADMM+ cũng như những đề xuất hợp tác đa phương của Nga với ASEAN như các Cuộc gặp không chính thức Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN - Nga, Diễn tập Hàng hải ASEAN - Nga, các hoạt động đa phương quốc tế do Bộ Quốc phòng Liên bang Nga khởi xướng và chủ trì tổ chức, trong đó có Hội thao quân sự quốc tế Army Games. Các hoạt động thực tế đã góp phần củng cố sự hiểu biết, tin cậy lẫn nhau, làm tiền đề cho các hoạt động hợp tác, tăng cường khả năng phối hợp hoạt động chung giữa các lực lượng tham gia.
Theo Thượng tướng Phan Văn Giang, những hoạt động này là minh chứng cho việc Nga đang ngày càng khẳng định vai trò của mình tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đẩy mạnh hơn nữa hợp tác và quan hệ hữu nghị với các nước ASEAN, trở thành nhân tố tích cực cùng ASEAN duy trì sự cân bằng trong khu vực, ngăn ngừa xung đột và chiến tranh, giảm chạy đua vũ trang, góp phần duy trì môi trường hòa bình, bảo đảm an ninh, ổn định ở khu vực.
Về phần mình, Việt Nam tiếp tục thực hiện chính sách quốc phòng mang tính chất hòa bình và tự vệ; kiên quyết, kiên trì đấu tranh giải quyết mọi tranh chấp, bất đồng, trong đó có tranh chấp trên Biển Đông bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế và các quy định thống nhất trong khu vực; tích cực, chủ động hợp tác với các nước, trong đó có Nga nhằm bảo vệ môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước, vì cuộc sống của người dân.
“Từ những kinh nghiệm xương máu của dân tộc mình, Việt Nam hiểu giá trị của hòa bình và cũng sẽ làm hết sức mình để đóng góp cho công cuộc bảo vệ hòa bình vì lợi ích không chỉ của chúng tôi mà còn của tất cả các quốc gia khác”, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam khẳng định.