Chị lại ngồi khâu áo cho anh. Cách đây chừng mười mấy năm khi anh còn đang ở đỉnh cao của danh vọng và quyền chức thì những chiếc áo này chỉ là mớ giẻ lau xe của người tài xế của anh.
Bây giờ anh đang nằm kia, trên chiếc ghế salon, hai tay úp lên ngực, giấc ngủ thanh thản, nét mặt phong trần, chỗ nằm ngủ thật khiêm tốn như chỉ cần ngủ cho say chứ không quan tâm lắm đến phương tiện để ngủ. Việc chị khâu áo cho anh có thể coi là một “sự kiện lịch sử” hơn mười năm qua của hai người.
Hồi nãy giữa buổi tiệc đầy tháng cho cu Bi, cháu nội của hai người, chị để ý thấy anh ẵm thằng bé trên tay. Bằng một cử chỉ ngượng ngập anh đã hôn lên đôi má bầu bĩnh thơm mùi sữa của nó. Sau đó khi anh định trao cu Bi cho ba nó - Toàn, con trai của hai người - thì chị nhẹ nhàng đỡ lấy đứa bé. Bằng những động tác tự tin, thuần thục của người mẹ đã từng bế ẵm những đứa con, chị nựng nịu đứa cháu để nó tiếp tục chìm vào giấc ngủ. Cả nhà dường như tỏ ra tự nhiên hơn, bớt gò bó ngăn cách hơn từ cái thời điểm anh chị cùng hôn đứa cháu nội.
Cái cổ áo của anh đã sờn, có lẽ lâu không giặt xà phòng nên... Hừ! Vẫn cái tật ở dơ. Thì ra những cá tính của anh, chị vẫn không sao quên được. Dạo mới lấy nhau cứ chiều thứ bảy là chị lại đạp xe hai chục cây số từ nơi dạy học về cơ quan anh nơi có căn hộ tập thể 12 m2 của hai vợ chồng để giặt hàng thau quần áo mà anh thay ra cuộn lại nhét vào gầm bàn, hộc tủ. Có lẽ anh ở bẩn trước khi viết văn thì phải. Chị yêu anh vì anh đã từng làm chị xao xuyến. Chị không thể sống nếu thiếu anh. Những bài thơ và truyện ngắn đăng báo của anh đã làm chị tự hào thậm chí còn kiêu hãnh với bạn bè hồi đó.
Chiếc áo chưa khô, chị sợ khi anh thức dậy chờ lâu nên đã lấy bàn ủi, ủi cho mau khô, mặc dù chị đã nói con trai đưa cho anh mặc đỡ áo của nó.
Trong thâm tâm, chị vẫn trách anh là người bạc tình. Hồi mới lấy nhau hai vợ chồng chỉ mỗi người có cái xe đạp, đồng lương trung cấp thủy lợi của anh và lương giáo viên cấp I của chị, hai người vẫn hạnh phúc. Từ khi anh làm trưởng phòng hành chính của Sở có chức có quyền, giao tiếp rộng, thì dấu hiệu về sự đổ vỡ có lúc đã sờ thấy được trong tầm tay của chị. Đàn bà ai mà chịu cho được khi chồng mình có tài danh lại nay Vũng Tàu qua đêm “công tác” với cô này, mai đi thực tế sáng tác với cô kia. Chị làm dữ thì anh lại thề thốt hứa hẹn, sám hối:
- Em tha lỗi cho anh. Đàn ông mà có chút nghệ sỹ như bọn anh hay bồng bột như đứa trẻ. Nhưng đi đâu, về đâu cũng không bằng vợ mình ở nhà. Em tin anh đi.
Đàn bà dễ bùi tai bởi những câu vuốt giận, nhất là những câu ở vế sau anh thổi chị lên làm chị nguôi hết mà tha thứ.
*
* *
Viên thẩm phán độ trung tuổi, nghe đâu có quen biết anh gõ gõ chiếc bút bi mấy lần vào tờ đơn như để cân nhắc và nói:
- Cả anh và chị nên nghĩ lại, nhất là anh. Chúng tôi đọc một số truyện ngắn của anh phân tích lẽ đời rất có lý có tình. Tôi tin anh và chị cần thiết một mái ấm cho hai đứa trẻ như thế nào?
- Thưa tòa. Những cái truyện ngắn, ấy lại khác. Ở đây chúng tôi thuận tình ly hôn - Anh chỉ nói vậy.
- Còn chị?- Tòa hỏi.
- Anh ấy đã phá vỡ cái mái ấm của chúng tôi từ lâu rồi. Hiện anh ấy không còn trách nhiệm gì với hai đứa con. Chúng tôi ly hôn là giải phóng cho nhau.
Chị được nuôi hai đứa con, thằng Toàn lúc đó 12 tuổi, con Hà 8 tuổi. Không đòi chia tài sản nhà đất gì, để lại tất cả cho hai con, anh chỉ đem theo ít quần áo và cái xe Vespa. Ngày anh “tuyên bố” với Lan, chị nằm chết uất như người vô hồn. Mặc dù đã ly dị song nghe tin anh tiến tới với Lan, chị có cảm giác rất rõ về sự thật cay đắng. Càng nghĩ chị càng hận anh. Vinh hoa phú quí thì đổi vợ như thay một cái áo. Đàn ông thật tệ bạc. Ông chú chị đã có lý khi nói:
- Mày xa nó sớm ngày nào tốt ngày đó. Cái thứ đàn ông háo sắc nghệ sỹ như nó chỉ làm khổ vợ con chứ được tích sự gì.
Đang hận anh và ghen đến mờ lý trí, vớ được câu nói của ông chú như một câu kinh thánh chị liền nhập tâm. Chiều đó anh đi nhậu xỉn về, chị đưa tờ đơn viết sẵn trên tập trăm trang. Anh hỏi:
- Giấy gì thế này?
Chị nói:
- Anh ký đi, ký như mình đã bàn ấy mà.
Anh cứ ngỡ chị làm đơn mua vật liệu sửa chuồng heo, bèn rút bút ký liền. Nửa tháng sau tòa gọi, anh ngã ngửa người ra. Cuộc ly hôn tưởng như trong truyện ngắn mới có, ai ngờ ngoài đời vẫn xảy ra.
Bé Hà thấy chị khóc, nó ôm lấy chị:
- Mẹ ơi, mẹ ơi! Ba đi mãi cùng cô Lan hả mẹ. Mẹ đi kêu ba về với con. Con nhớ ba.
Chị ngồi dậy dang thẳng cánh tay cho bé Hà một bạt tai:
- Mày đi mà kêu. Kêu gì con người tệ bạc ấy.
Như kịp nhận ra mình vừa làm gì, chị ôm lấy bé Hà xoa vào má nó bằng bàn tay rát bỏng của mình:
- Ôi! Mẹ xin lỗi. Mẹ xin con. - Hai mẹ con ôm lấy nhau khóc nấc lên.
Một buổi chiều định mệnh đến với anh. Anh nhậu say bị đụng xe máy, dập trán, vỡ xương hàm, gẫy tay. Tin đến, chị cùng hai đứa con lập tức thu xếp đi viện nuôi anh. Những ngày anh hôn mê nguy kịch qua đi, hai đứa con chị thay nhau túc trực nuôi cha. Có lúc anh hỏi bé Hà:
- Mẹ con đâu? Mẹ có tới mà không vào thăm ba phải không con?
Anh biết chị muốn anh được tự nhiên, hơn nữa chị cũng không muốn gặp cô Lan ở đó.
Cô Lan lúc đó đã chán ngán ra mặt. Có khi hai ba ngày Lan mới tới thăm anh. Tuy thế cô ta còn tỏ ra như quan tâm lắm đến nạn nhân. Lan hất mặt hỏi bé Hà:
- Đã tráng rửa tô chén bằng nước sôi chưa mà múc cháo cho ba cô đó?
Toàn trừng mắt lên, con bé Hà thì nói:
- Cám ơn bà. Tôi nuôi ba tôi, tôi biết phải làm gì? Vậy chứ mấy ngày nay cô đi đâu? - Hà đã “hạ” cô ta từ “bà” xuống cô như vậy.
Với lý do sức khỏe, trí nhớ giảm, cơ quan quyết định cho anh nghỉ một cục. Ba triệu bạc lúc đó cũng không đủ cho cô Lan và anh cùng cu Tuấn chi dùng tằn tiện trong một vài tháng. Lan xoay được hộ chiếu và công lệnh đi nghiên cứu nuôi trồng thủy sản tại Australia. Anh đành để Lan đi. Một năm rồi hơn năm năm nay Lan không về. Cô đã thông qua người nhà sang định cư tại California.
Cuộc đời anh cứ lụi dần. Bây giờ anh về ở tại một căn chòi trông rẫy và chăn bò cho vợ chồng người dì và ông dượng cách thành phố bảy, tám cây số.
Hợp đồng với bà dì được ghi rõ:
Bên B: Trông nom rẫy vào ban ngày và ban đêm. Chịu trách nhiệm về mọi mất mát xảy ra. Phân công người làm, chấm công.
Bên A: Cơm nuôi cho hai cha con (anh và cu Tuấn). Không lương.
Cũng xong. Đến nước này chỉ cần cái chòi dung thân có gì mà không xong. Những con bò của bà dì đi vòng quanh cái cần câu. Còn anh, tuy có khoảng cách nhất định xong cũng chuyển động theo khuôn khổ cái đường tròn đó. Nói theo hình học, đó là hai đường tròn đồng tâm.
*
* *
Khâu xong cái nút áo, chị giở bóp lấy hai trăm ngàn đặt vào túi ngực cho anh và cẩn thận cài kim băng lại. Mọi chỗ sứt chỉ, rách toạc miệng túi, đứt nút của chiếc áo cũ đã được khâu vá lại cẩn thận như nguyên vẹn. Bé Hà đi mượn băng nhạc về thấy vậy định reo lên nhưng cô kịp lấy tay che miệng lại. Nghe động, anh bật ngồi dậy phác một cử chỉ hay đại loại nói câu gì đó như là đã ngủ quên.
Bé Hà đến bên ba to nhỏ:
-Ba. Hôm nay nhất mẹ nghe ba. Áo của ba do đích tay mẹ giặt, mẹ đơm lại nút áo đó.
Chị lúng túng, mặt nóng ran nhưng vẫn cố nạt:
- Hà. Còn nhiều việc, con đi đâu nãy giờ để chị Loan lo dọn dẹp một mình vậy?
Toàn dừng xịch chiếc Dream ngoài sân, đỡ cu Tuấn xuống. Anh đưa mắt nhìn cu Tuấn. Thằng bé tiến đến khoanh tay:
- Con chào ba con đi học về - Đến gần chị, thằng bé ngập ngừng, bé Hà giục - Tuấn chào mẹ đi. Thằng bé vẫn khoanh tay:
- Con chào. . . mẹ. Em chào anh Toàn, em chào chị Hà, em đi học về.
Chị nhắc bé Hà dắt cu Tuấn vào nhà sau cho nó rửa mặt rồi ăn cơm. Hà nhảy chân sáo vừa đi vừa hát: “áo đây em may may yêu may quí, khăn này. . .”
- à, ba ơi - Hà quay lại - Báo Sông Phố lại mới đăng truyện ngắn Bến trăng của ba đó. Con mới đọc được hơn một trang, mà ba viết cũng... Hí hí.. tình quá đi chớ. Mẹ mà đọc chắc cũng phải yêu ba thôi.
- Thôi nào con gái. Con muốn thành nhà văn thì trước hết phải lo phụ dọn với chị Loan con đi. Đừng có ở đó mà lẻo mép nữa. - Anh nạt yêu con gái.
Cả anh và chị đều khó nói. Hình như đây là lần đầu sau hơn mười năm họ định nói một câu gì đó với nhau. Song lại thôi. Đám đầy tháng của đứa cháu nội đã như một điềm lành nhắc họ cùng nhìn cả về tương lai. Chị chợt nhìn xuống tay mình với chiếc áo của anh vừa khâu xong hãy còn âm ấm hơi tay. Người ta nói những người vị tha nhân ái thì bàn tay thường có sức truyền nhiệt. Chắc là vậy.
Lê Đăng Kháng