Gần một trăm tản văn của Mai Lâm trong ba tập sách là sự lưu luyến day dứt của người thương nhớ Hà Nội khôn nguôi, với những hồi ức về nơi xa lắm và thời xa lắm mà ngay cả người Hà Nội nay cũng không biết hoặc không còn nhớ đến nữa. Trong mỗi câu chữ ấy luôn thấp thoáng nỗi buồn của kẻ thấy nơi đâu cũng chẳng phải hoàn toàn là của mình, dù xứ người hay quê nhà.
"Chỉ còn tuyết trắng" một trong ba tập tản văn của tác giả Mai Lâm. |
Bên cạnh đó, Mai Lâm cũng đã “cày xới” vào “địa hạt” một thể loại thông thường là chân dung nhưng theo một cách khác thường. Đó là phác họa khuôn mặt của những người rất đỗi bình thường, thay vì nhắc đến chân dung là phải viết về người nổi tiếng. Các gương mặt đời thường của bạn bè thân quen như Phương nâu, Sơn lim, Châu sầu, Cường lừa, Minh thứ, Cương râu… đã vì thế mà dần dần hé lộ đời sống bộn bề phong phú cả nơi xứ ta lẫn xứ người. Cái duyên viết chân dung của Mai Lâm khiến mỗi gương mặt dù rất đỗi bình thường cũng khiến độc giả phải bật cười, và sau mỗi chân dung, không chỉ là số phận, nước mắt, mà còn là bức tranh toàn cảnh của cuộc sống người Việt tại hải ngoại qua rất nhiều mảnh ghép của thể loại tản văn.
Các tản văn về cái thú ăn chơi cũng là một mảng thú vị trong bộ ba tác phẩm của Mai Lâm. Chúng gợi nhớ không khí lãng tử, sành điệu một thời của trai Hà Nội. Qua các tản văn “Những giấc mơ đề”, “Khổ vì chơi”, “Thú chơi đồng hồ cổ”, “Quý vật tầm quý nhân”, “Thuê đồ chơi”…, độc giả đôi phần kinh ngạc rằng vì sao chơi thôi mà cũng phải nhọc thế, dụng công thế.
Tác giả Mai Lâm là một gương mặt mới của làng văn dù tuổi đời không còn trẻ. Ông định cư ở Cộng hòa Liên bang Đức từ năm 1987. Ông đồng thời là một nhạc sĩ với các album đã được phát hành rộng rãi ở Việt Nam như “Hà Nội mùa thu sớm”, “Từ xa Hà Nội”… Ba tập tản văn của Mai Lâm được in lần lượt năm 2014, 2015 và 2016, nhưng đây là lần ra mắt đầu tiên của tác giả trước công chúng.