Nghệ nhân kể khan huyền thoại Tây Nguyên trình diễn ở Hà Nội

Từ ngày 25 - 27/3 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam sẽ diễn ra các hoạt động với chủ đề “Tháng 3 - Mùa con ong đi lấy mật - Tây Nguyên đại ngàn”.

Hoạt động này nhằm giới thiệu nét văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên tại “ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, qua đó góp phần tăng cường giao lưu giữa các dân tộc, thu hút khách du lịch, hình thành điểm đến Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Đặc biệt, trong dịp này, nghệ nhân Y Wang (ảnh) ở buôn Triă, xã Ea Tul (huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk) sẽ trình diễn kể khan (hát kể, diễn xướng sử thi) độc đáo của đồng bào Ê Đê vào tối 25/3, tại không gian nhà dài làng dân tộc Ê Đê, khu làng dân tộc II. Đây là lần đầu tiên có nghệ nhân kể khan ở Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Nổi tiếng thuộc nhiều, nhớ lâu, hát hay, nghệ nhân Y Wang được gọi là “người của những đêm khan huyền thoại”. Nghệ nhân Y Wang không chỉ phục vụ cho buôn làng mà còn thường xuyên được mời đi biểu diễn ở nhiều nước trên thế giới. Ông cũng truyền dạy kể khan cho thanh niên trong xã để trao truyền vốn quý cha ông cho thế hệ sau.

Nghệ nhân Y Wang sinh ra và lớn lên ở một trong những buôn làng cổ xưa của đồng bào Ê Đê, còn lưu giữ được nhiều vốn văn hóa truyền thống như kể khan, hát dân ca, diễn tấu cồng chiêng và các nhạc cụ, nhạc khí dân tộc khác. Hơn nửa thế kỷ trước, ngày Y Wang còn nhỏ, hát kể sử thi, hát dân ca, lễ cúng còn phổ biến và đậm đặc trong mọi hoạt động văn hóa tâm linh của buôn làng Ê Đê...

Cũng trong dịp này, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam sẽ giới thiệu đến công chúng bộ sưu tập 16 nhóm hiện vật gồm: Ghế kpa dài 9,5 m, ghế chủ, trống, chiêng, bộ công cụ, gùi có chân, ghế bên bếp lửa và nhiều hiện vật khác. Đây là bộ sưu tập của cố Nghệ sỹ Nhân dân Y Moan Ê Nuôl dày lưu giữ. Bộ sưu tập quý báu này sẽ được trưng bày tại làng đến hết năm 2016 để đông đảo công chúng cùng chiêm ngưỡng.

Các hoạt động của “Tháng 3 - Mùa con ong đi lấy mật - Tây Nguyên đại ngàn” có sự tham gia của 135 đồng bào dân tộc của 8 dân tộc đến từ 7 tỉnh, trong đó có 5 tỉnh vùng Tây Nguyên: M’Nông (Đắk Nông), Giẻ Triêng, Xơ Đăng (Kon Tum), Gia Rai (Gia Lai), Mạ (Lâm Đồng), Ê Đê (Đắk Lắk) và dân tộc Mường (Hòa Bình), Thái (Nghệ An). Đồng bào các dân tộc Tây Nguyên sẽ ở lại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam đến hết năm 2016. 
T.G
Khám phá văn hóa Tây Nguyên tại Bảo tàng Dân tộc học
Khám phá văn hóa Tây Nguyên tại Bảo tàng Dân tộc học

Sáng 13/2 (tức mùng 6 Tết), Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum tổ chức chương trình Vui xuân Bính Thân với nhiều hoạt động thu hút du khách trong những ngày đầu năm mới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN