Theo thông lệ, cứ vào những ngày đầu xuân năm mới là các hàng quán có bán món bún ốc tại Hà Nội lại vô cùng đắt khách. Đây là một món ăn từ lâu được xem là chống ngán hiệu quả, sau mấy ngày đoàn tụ ăn Tết với rất nhiều món dư thừa chất dinh dưỡng. Chẳng vậy mà, không cần đợi sau ngày mồng Ba, mà thậm chí ngay từ thời khắc đi lễ chùa, du xuân, đầu ngày mồng Một, nhiều người đã tạt các quán bún để thưởng thức.
Ở Hà Nội có rất nhiều quán bán bún ốc được mở vào ngày đầu xuân. Đông đúc hơn cả là tại các địa điểm chùa chiền, miếu, phủ và các điểm du xuân chơi Tết.
Bún và ốc ở quán nào thì cũng đều giống nhau mà thôi cả, nhưng để làm nên một tô bún ốc ngon thì cách nấu nước dùng cũng như kỹ thuật nêm nếm gia vị mới là quan trọng nhất. Ngoài nguyên liệu chính là nước luộc ốc, trong nồi nước dùng bao giờ người ta cũng phải pha chế thêm nước xương lợn ninh nhừ. Xương lợn được ninh trong lửa liu riu, vừa ninh vừa hớt bọt để tạo độ trong của nước. Sau khi đã hòa lẫn hai loại nước xương và nước ốc với nhau là công đoạn nêm nếm gia vị. Các thứ gia vị cần phải có bao gồm: cà chua, mì chính, bột nêm, muối và dấm bỗng (loại gạn từ bã nấu rượu). Nồi nước dùng khi nếm thử có vị ngọt thanh, pha lẫn vị chua chua của dấm bỗng, của cà chua là đạt yêu cầu.
Vài thứ gia vị đi kèm theo tô bún ốc luôn không thể thiếu được, bởi thiếu nó là sẽ giảm tới 50% hương vị thơm ngon và đúng chất của bún ốc, đó là: Rau tía tô thái nhỏ; hành lá thái nhỏ; vài đoạn gốc hành chẻ; và mắm tôm! Những con ốc luộc béo ngậy đã khêu sẵn được chủ hàng rải lên trên bát bún theo một định lượng nhất định, khoảng vài chục con đối với loại ốc đá nhỏ, và dăm con đối với loại ốc bươu, ốc mít. Nếu là ốc nhồi, thường là được cắt nhỏ làm hai, làm ba để người ăn khỏi phải mất công cắn, vì nó quá to. Ngoài ra, thời nay người ta thường cho vào tô bún thêm các miếng đậu phụ cắt nhỏ chiên vàng để thêm phần hấp dẫn.
Rồi có quán bỏ vào đó cả giò tai, giò lụa, chả cốm, nhưng như vậy là quá tạp phí lù và không còn ngon và giữ chất lượng thuần túy của món bún ốc thông thường... Trước khi chan nước dùng, người ta phải nêm thêm chút tía tô, hành lá cắt nhỏ và gốc hành trần, bỏ thìa nhỏ mắm tôm dậy mùi thơm lừng vào. Cũng có quán để khách tự bỏ lấy mắm tôm khi ăn, bởi một số người không ăn được, hoặc không thích ăn loại mắm này. Chẳng vậy mà có quán trước khi chan bún đều hỏi trước khách có ăn mắm tôm không rồi mới bỏ...
Rau sống ăn kèm với bún ốc cũng là rất cầu kỳ: Phải có rau muống chẻ, rau chuối thái rối; rau húng Láng, tía tô, xà lách, mùi tàu, cùng kinh giới, giá đỗ...
Những ngày đầu năm lạnh tê tái, bê bát bún ốc nóng hổi, thêm vào đó chút tương ớt chưng cay nồng thì chỉ một loáng xuýt xoa thôi cũng húp cạn phần nước trong tô bún lúc nào không hay.
Diễm Hương