Ngày chị về nhà tôi, gia tài mang theo độc một chiếc hòm bằng tôn. Bên trong đựng vài thứ linh tinh của phụ nữ. Trong đó có cái áo lụa tơ tằm là của hồi môn mà mẹ chị tặng con gái ngày về nhà chồng. Nhà tôi đông anh em, chị là dâu trưởng. Dưới anh cả, hai chị gái đã lấy chồng, đến anh Lộc bị thiểu năng trí tuệ rồi đến tôi. Anh cả tôi tên Tấn, là phụ xe buýt cho Xí nghiệp xe buýt liên hiệp, lương ba cọc ba đồng, còn chị là công nhân môi trường trong thành phố lương lậu cũng thấp nên hai vợ chồng vẫn ở chung với cả gia đình tôi trong căn nhà cấp bốn tuềnh toàng, cũ kỹ.
Bố mẹ tôi đã ngoài sáu mươi, hai cụ có lương hưu nhưng vẫn mở quán trà đá nhỏ đầu con hẻm để vui vầy tuổi già, với lại cũng kiếm đồng ra đồng vào phụ giúp con cháu. Từ khi chị Hạnh về làm dâu, nếp sống cũ của gia đình tôi dường như bị đảo lộn. Tất cả mọi sinh hoạt hàng ngày được quy định theo một giờ giấc cụ thể, khoa học, không có kiểu gặp đâu đánh đấy, mạnh ai nấy làm như trước. Cái buồng của anh Lộc lúc nào cũng hôi hám, bẩn thỉu, được chị dâu dọn dẹp, lau chùi sạch sẽ khiến anh ú ớ không nhận ra phòng mình.
Trước khi cưới anh Tấn, chị Hạnh làm ca ngày ở công ty vệ sinh, môi trường của thành phố nhưng kể từ ngày về làm dâu, chị xin chuyển làm ca đêm để tiện việc nội trợ, bếp núc nhà chồng. Trong nhà chỉ có ba người phụ nữ. Mẹ tôi từ ngày có dâu mới bà không đụng tay vào dầu mỡ, còn tôi hơn mười ba tuổi, nên chỉ biết ăn và nhõng nhẽo chứ chưa làm nên trò trống gì.
Bao nhiêu công việc vất vả là thế, chị Hạnh còn về quê lôi lên cả đôi lợn giống để nuôi. Chị bảo: “Nuôi lợn khỏe hơn nuôi chó mèo lại có thu nhập. Mà ở các khu phố quanh mình cơm thừa canh cặn bừa phứa ra đấy vứt đi phí lắm”.
Vốn sau nhà tôi có cái chuồng lợn làm từ thời bao cấp nhưng đã lâu không dùng, thường ngày là sân chơi quen thuộc của anh Lộc và con xồm. Anh Tấn kiếm đâu về mấy thanh sắt hàn lại thế là thành cái chuồng lợn ngon lành. Mỗi khuya lại ngửi thấy mùi chua chua, lờm lợm từ đó phát ra nhưng lâu dần cũng quen.
Anh Tấn ngoài giờ làm ở Xí nghiệp xe buýt ra thì ở nhà phụ giúp chị xay và đóng khuôn đậu phụ. Chị dâu còn kiêm luôn một hàng đậu phụ nơi cái chợ cóc đầu phố. Đậu phụ đem bán còn nước làm thức ăn cho lợn. Nhìn chị dâu suốt ngày quần quật làm việc mà sợ, có lúc tôi tự nhủ sau này mình sẽ không lấy chồng.
*
* *
Hơn chục năm sau, nhờ đôi bàn tay cần cù, chịu khó cùng đức tính ki cóp, tiết kiệm, hai vợ chồng chị đã gây dựng được một cơ ngơi vững chãi, bề thế. Ngôi nhà hai tầng khang trang úp mặt lại như khiêu khích căn nhà cấp bốn tồn tại ngót nửa thế kỷ. Anh chị chuyển ra ở riêng kể từ khi căn nhà mới hoàn thành.
Mọi việc dường như rất suôn sẻ đối với anh Tấn kể từ ngày chị về làm dâu. Mọi người đều bảo chị Hạnh có tướng vượng phu. Anh nay không còn là thằng phụ quèn thu vé xe buýt tuyến như trước nữa, tiền bạc cùng sự khôn khéo giúp anh chen chân được vào tổ thanh tra của xí nghiệp. Công việc nhàn hạ, đồng lương rủng rỉnh, con người anh trở nên đẫy đà ra.
Chị Hạnh thì ngược lại, bao nhiêu công việc, lo toan của người dâu trưởng đã vắt kiệt sức lực của chị. Trước đây chị tươi trẻ bao nhiêu thì bây giờ chị già nua bấy nhiêu.
Cái đó đối với chị chẳng đáng gì điều lo ngại nhất là anh chị đã cưới nhau hơn chục năm mà vẫn chưa có con. Ông bà mong mỏi đứa cháu nội để bồng bế mà mãi không thấy. Nhiều lúc vì quá mong mỏi khiến hai cụ trở nên bẳn tính hay cáu kỉnh, gắt gỏng, nói con dâu những điều khó nghe nhưng chị đều nhẫn nhịn. Được làm mẹ, người phụ nữ nào mà chẳng ao ước. Chị đã từng phá thai một lần vì ngày đó mới cưới, kinh tế gia đình còn khó khăn. Việc này anh chị giấu tiệt không cho ai biết. Phá thai lần đầu rất dễ gây ra những biến chứng về sau. Với chị, tuổi già đang treo lơ lửng trên đầu và đó là điều đáng sợ nhất đối với bất kỳ người phụ nữ nào.
*
* *
Bố tôi thuộc chi nhánh trưởng của một dòng họ lớn nên mỗi năm có đến là nhiều giỗ chạp. Ngày nhỏ, tôi thường trông chờ từng ngày và đếm tất cả các ngày có việc như thế lên đầu ngón tay để được ăn uống thỏa thích. Lớn bé phải đến hàng chục cái giỗ. Nào là rằm tháng Giêng, giỗ các cụ, rằm tháng Bảy, giỗ anh Tài (anh trên tôi mất khi mới mười một tuổi) và bao nhiêu các thứ linh tinh khác như ma chay, cưới hỏi... Tất cả một tay chị dâu lo toan. Bố mẹ tôi đã già, anh Tấn bận việc suốt, anh Lộc thì như thế nhiều khi còn làm phiền chị, còn tôi vào đại học không những không phụ giúp được gì còn trở thành gánh nặng của chị.
Mỗi khi có công chuyện, từ mấy hôm trước chị dâu đã rối rít tít mù không biết bao nhiêu là việc. Nhìn chị, có lúc tôi nghĩ, sao chị giống người đi ở cho cái nhà này hơn là một trưởng dâu. Hai bà chị gái tôi nhẩn nha đến bữa ăn mới đến, ăn xong tìm cách “lẩn” luôn. Thấy cơ ngơi anh chị đàng hoàng đem lòng ganh tị, bàn tán lung tung. Cứ xoay quanh cái chủ đề chị hiếm muộn mà giở ra bàn tán. Có lần tôi còn nghe được hai chị nói với nhau cùng cái lườm nguýt rõ dài: “Anh Tấn nhà mình thật bạc phước. Rồi đến nước phải đi lấy vợ hai thôi”.
Chị Hạnh biết hết những lời xì xào đó nhưng luôn im lặng. Cam phận và nhẫn nhục là đức tính của chị và trong thâm tâm chị tự nhủ, chưa có con cũng do lỗi ở mình. Nét mặt trầm tư, u buồn luôn ngự trị trên khuôn mặt chị. Thi thoảng để làm tôi vui chị cố nở một vài nụ cười gượng gạo.
Anh Tấn càng ngày càng hay vắng nhà. Luôn có những lý do đột xuất và chính đáng để anh ở lại công ty hoặc một vài ngày cho chuyến công tác, về tận các xí nghiệp khảo sát. Với anh, chị luôn dành một tình yêu đến mức tôn thờ không một chút nghi kị mặc dù gần đây có lời ra tiếng vào rằng chồng chị có bồ. Miệng lưỡi thiên hạ là thế. Chị tự nhủ.
Cái thói trưởng giả trong anh ngày càng thể hiện rõ, tuồng như đó là bệnh của đàn ông vào độ tuổi trung niên. Hôm nào đến công ty thì chớ còn ở nhà anh luôn kiếm chuyện hạch sách vợ. Người vợ cùng chung chăn gối với anh hơn chục năm trời, đã cùng anh trải qua những tháng ngày gian khó nhất của cuộc đời, đã giúp anh được bao nhiêu việc ấy vậy mà thoạt tiên trước mắt anh, chị bỗng trở thành một người xa lạ. Mọi chuyện cũng chỉ vì chị chưa thể sinh con cho anh, cho ông bà nội một đứa cháu hay cũng có thể nhan sắc chị đã phai nhạt hoặc do cái lối so sánh cố hữu của anh giữa vợ với những cô gái trong các mối quan hệ xã giao hàng ngày.
Mặc dù tôi đang học trong thành phố nhưng vẫn thuê trọ ở riêng, thi thoảng cuối tuần hoặc lúc hết tiền mới về nhà. Mỗi lần về tôi lại thêm xa xót khi nhìn thấy dáng hình lầm lũi của chị. Thể xác cùng tâm hồn chị tàn tạ ngang nhau. Dù bận học nhưng tôi cũng nán ở nhà một đêm để tâm sự cùng chị. Từ nhỏ, tôi vẫn là người chị tin tưởng nhất vì trong ngôi nhà này không còn ai để chị có thể nói chuyện được. Bố mẹ tôi thuộc vào một thế hệ khác, ông bà có tính đồng bóng. Từ khi tôi còn là một đứa bé con rồi thành thiếu nữ, chị như một chuyên gia tư vấn cho tôi mọi chuyện với tư cách một người phụ nữ. Chị là người đáng tin cậy nhất để tôi trút bầu tâm sự. Mẹ tôi xem việc đi lễ chùa là quan trọng hết thảy.
Tôi biết tính chị vốn kiệm lời, không hay ta thán, kể khổ. Những lúc chuyện trò chị chỉ xoay quanh việc tôi học hành thế nào, đã có bạn trai chưa... Chị luôn nhắc nhở tôi, cuộc sống phức tạp ra ngoài đời em phải cẩn thận. Khi tôi hỏi đến chuyện của chị, chỉ nhận được tiếng thở dài đến não nuột cùng câu nói bâng quơ, quen thuộc: “Em không phải lo cho chị. Chị vẫn sống tốt”, rồi hôm sau đi chị lại dúi cho tôi ít tiền. Điều kém may mắn là chị chưa có con nên mọi tình yêu thương của người mẹ chị dành hết cho tôi và anh Lộc.
*
* *
Cuộc sống đô thị hiện đại cuốn con người ta vào cái vòng xoáy nghiệt ngã của cơm áo gạo tiền. Thực dụng, ích kỷ đến cay nghiệt. Nhiều giá trị của một gia đình truyền thống bị đảo lộn. Các thứ bậc, tình cảm vốn có là lòng yêu thương trân trọng lẫn nhau trong mỗi gia đình dần bị xóa nhòa.
Tôi bước vào năm cuối ở giảng đường đại học với bao nhiêu bề bộn phải lo toan nên hai ba tháng rồi vẫn không về nhà dẫu biết rằng chỉ cần hơn tiếng xe buýt là đã có mặt ở nhà mình. Không khí buồn tẻ vẫn là điều đáng sợ nhất với tôi mỗi khi về nhà. Gọi điện thoại về gần như là một điều xa xỉ đối với tôi. Chính vì vậy cũng đã lâu tôi không biết nhiều tin tức trong gia đình. Chắc rằng mọi việc cứ theo cái vòng xoay của nó.
Cuối tuần, trả xong bài khóa luận, tôi tranh thủ tạt về nhà mấy hôm, nhân tiện xin cha mẹ ít tiền chuẩn bị cho đợt thực tập dài ngày. Căn nhà nơi anh trai và chị dâu ở đóng cửa im ỉm. Nhà trên, bố mẹ tôi mỗi người một góc tập trung vào công việc của mình. Một khoảng lặng đến đáng sợ bủa vậy ngôi nhà giữa lòng phố thị xô bồ, tấp nập.
Tôi tạt vào buồng thăm anh Lộc. Căn buồng xộc lên mùi lờm lợm, tanh tưởi, mốc thếch. Anh thấy tôi vào mừng lắm, quên luôn cả con chó xồm. Nhìn anh tôi đoán có chuyện không hay đã xảy ra vì có lần nào về nhà được thấy bộ dạng nhếch nhác, bẩn thỉu của anh như thế này đâu. Chị Hạnh không khi nào để anh ở bẩn.
Anh nói liến láu, giọng ngọng líu: “Ấn ới Ạnh a òa. Ấn ánh Ạnh”... (Tấn với Hạnh ra tòa. Tấn đánh Hạnh), nói xong anh Lộc khóc như một đứa trẻ lạc mẹ. Trong nhà chị Hạnh là người quan tâm và chiều chuộng anh Lộc nhất. Tôi không ngờ cơ sự lại đến nước đó.
Dăm ba hôm ở nhà đã đủ cho tôi hiểu rõ ngọn ngành mọi chuyện. Tất cả cũng từ việc chị Hạnh không sinh nổi đứa con mà ra. Đó đâu phải lỗi tại chị. Một hôm khi chị đi làm ca ba về thì thấy một người phụ nữ lạ trong nhà mình. Chị đã bị sốc khi nghe anh Tấn tuyên bố đó là vợ hai của anh. Lời qua tiếng lại, chị bị anh đánh, thêm bố mẹ chồng bênh con trai, ghét nàng dâu “đu đủ đực”, chị bỏ về nhà mẹ đẻ ngay trong đêm. Hai bà chị gái tôi chẳng biết gì cũng vào hùa cùng cha mẹ bảo anh Tấn li dị với chị lấy vợ mới may ra cứu vãn được sự nghiệp. Năm nay là năm hạn của anh. Bà đi chùa và xin được quẻ thế!
Hôm tôi về, anh chị đang ra tòa làm thủ tục li hôn. Chị dâu đã cố nuốt dòng nước mắt chua xót ký vào đơn li hôn mà không đòi hỏi gì. Tình yêu của chị đối với anh cao thượng đến mức chị sẵn sàng hy sinh bản thân mình, giải thoát cho anh để anh có được cuộc sống theo ý muốn. Mười năm trước về nhà chồng cũng như mười năm sau ra khỏi nhà chồng, hành trang theo chị là cái hòm tôn trong đó có cái áo lụa tơ tằm của mẹ chị tặng. Bao nhiêu công sức mười năm chị gây dựng nên bây giờ cho người phụ nữ khác nghiễm nhiên hưởng thụ. Điều đó chị không đau xót, điều làm chị đau xót nhất là bao nhiêu tình yêu thương dành hết cho chồng, cho gia đình nhà chồng hóa ra vô nghĩa.
Gặp chị, tôi không biết nói gì với chị. Hai chị em ôm lấy nhau. Cả hai đều im lặng. Tôi để mặc cho những dòng nước mắt đắng đót cứ thế trào ra ấm nóng. Tôi chỉ thốt ra được một câu: “Chị dâu”. Chị buông tôi ra cố nở nụ cười gượng gạo như hôm nào. Chị bảo: “Đừng buồn em nhé! Rồi mọi chuyện sẽ qua thôi. Con người sống ở đời quý ở cái tình yêu thương. Mọi thứ đều phù phiếm và vô nghĩa cả”. Mặc dầu chị nói thế nhưng tôi biết chị buồn lắm. Những lời của chị khiến lòng tôi như bị xát muối.
Tôi thắt lòng lại khi nhìn bóng chị như dấu chấm hỏi khô khan hắt trên đường chiều cuối phố. Nước mắt tự nhiên trào ra không ngớt. Tôi chợt sờ vào cái túi áo khoác, có một ít tiền lẻ chị vừa dúi cho. Chị vẫn là chị dâu của tôi như hôm nào. Đứng giữa phố xá nhộn nhịp khi hoàng hôn về vàng vọt, tôi tự hỏi: “Sao ở thời đại này mà vẫn còn những thân phận khổ cực như chị?”. Cha mẹ, các chị, anh Tấn liệu có biết tôi cũng là một người phụ nữ và rồi tôi cũng sẽ làm dâu...? Phố tĩnh lặng trong hàng ngàn âm thanh hỗn độn, nhốn nháo của cuộc sống.
Tản văn của Hoàng Nghĩa