Chiều chưa đi màn đêm rơi xuống/ Đâu đây buông lững lờ tiếng chuông/ Đôi cánh chim bâng khuâng rã rời/ Cùng mây xám về ngang lưng trời…
Ấy là chiều đông; đích thực một buổi chiều đông. Một chiều đông kinh điển, vẹn toàn, đủ sắc đủ thanh mang cảm xúc Việt, thuần Việt. Sẽ có người bảo: “Đêm đông” viết giữa Hà Thành…. Vâng, giữa Hà Thành, không sai. Nhưng là một Hà Thành xưa, một Hà Thành cổ kính quê-phố-đồng-cư lặng lẽ yên bình những thập niên đầu thế kỉ hai mươi; không phải một Hà Thành đầu thế kỉ hăm mốt sùng sục đua chen trong cơn lốc thị trường…
Đời người, cả một đời người, mải miết trôi theo chiều dài năm tháng, qua biết mấy mùa đông; nhưng liệu có bao giờ, có mấy ai, nhín chút thời gian, tĩnh trí, lắng lòng mà đối diện cùng một buổi chiều đông; và liệu có ai còn đủ mộng, đủ mơ để nhập vào chiều đông mà cảm nhận đến tận cùng những thanh sắc của chiều đông? Và cũng thế, biết bao người hẳn đã nghêu ngao không dưới trăm lần bài hát “Đêm đông”; nhưng những ca từ cứ lặng lẽ bay ngang kiếp người mà chẳng hề đọng lại chút dư âm; cho đến một lần, bất chợt một lần…
Phải; chỉ một lần, bất chợt nhận ra, khi ta đang mỏi mệt, buồn phiền, tiếc nhớ, bâng khuâng một điều gì đó không tuổi không tên. Và một góc quán đìu hiu. Và một mình, chỉ một mình, trong ánh nhập nhoạng chiều đông; cái ánh chiều đúng như mô tả của người nhạc sĩ tài hoa: chiều chưa đi màn đêm rơi xuống…. Đúng; đêm rơi xuống; nhưng chiều thì chưa đi, thật sự chưa đi. Ấy đích thực là hai-trong-một. Cái hai-trong-một-có-một-không-hai làm nên diện mạo chiều đông. Và, lạ chưa, diện mạo chiều đông kia nào phải mới mẻ gì cho cam. Nó vẫn thường hằng tồn tại; vẫn từ ngàn xưa lơ lửng với ngàn sau (thơ Hồ Dzếnh), trôi ngang triệu triệu kiếp người mà sao chỉ Người Nhạc, Người Thơ mới đủ sức nhận ra???
Mà, nói ngay, thực sự thì cũng chỉ là một-khoảnh-khắc-nhận-ra. Cái khoảnh khắc Làm Nên Lịch Sử, khi Đứa Con Nghệ Thuật đến giờ nở nhụy khai hoa, cất tiếng khóc chào đời vào một buổi chiều-đêm đông. Cái buổi chiều đông có tiếng chuông (chùa) lững lờ buông rơi đánh động hồn người lữ thứ. Cái buổi chiều đông có tha nhân mắt dõi nhìn theo cánh chim trời cô đơn lạc giữa mây ngàn vời vợi. Rã rời và bâng khuâng. Là ta hay là chim. Ấy - phải chăng - cũng thành câu hỏi lớn không lời đáp (thơ Huy Cận) cộp một dấu son tài hoa lên cuốn sách vàng Việt -Nam-Âm-Nhạc-Sử…
Mà… có cần chi lời đáp? Bởi cái đáp án rốt ráo không bao giờ là ngôn ngữ. Đáp án ấy, tự thuở hoài thai, mẹ đã dạy ta rồi…
Y Nguyên