Chữ nhà báo

Tôi cứ lẩn thẩn nghĩ, làm nhà báo sướng thật! Thì đấy! Nhà báo được thiên hạ liệt vô hàng quyền lực thứ tư, thứ quyền lực ai nghe cũng “ớn xương sống”. Cái sướng nữa, chữ nhà báo viết ra, dù là báo mạng hay báo viết, hàng ngày đều được người đời tìm đọc. Đọc nhiều, ngấm chữ, như người ngấm rượu, thế là chữ nhà báo thành câu cửa miệng, thành cách viết, cách xưng hô của thiên hạ. Danh giá vô cùng!


Với nhà báo, tôi là người ngoại đạo, chữ nghĩa cũng mù mờ. Nhưng đọc nhiều mới biết có nhiều nhà báo ta dùng chữ mới quá, “ác liệt” quá. Nói chi xa, tháng rồi, Hai Tễu, một nhà báo trẻ làm việc ở tờ báo tỉnh, rủ tôi đến thị trấn Cồn Khoai lấy tài liệu viết bài. Đâu như ở đó có một nạn chi khiếp lắm. Khiếp đến nỗi, mấy ông cựu chiến binh vốn đã bao phen xông pha trận mạc, xem cái chết nhẹ tựa lông hồng cũng phải gọi điện đến tòa soạn nhờ nhà báo ra tay. Nghe thế, lại được bám càng nhà báo, tôi sướng, hăng hái đi liền. Thấy nhà báo đến, mấy cụ cựu chiến binh vồn vã rót nước ra mời, nét mặt rất căm hờn. Các cụ đấm tay vô không khí:


- Trời sập đến nơi rồi, các nhà báo ạ. Ai đời mấy thằng ranh con ở đây thấy cánh con gái đua đòi, nhuộm tóc vàng hoe, quần jean, áo thun hở rốn; các ả lại vừa đi vừa nhún nha nhún nhảy, ngoáy mông tít mù, thế là chúng lấy nan hoa xe đạp mài nhọn ra. Gặp ả nào biên độ ngoáy mông tợn quá là nhè vô đó mà chích. Các ả la oai oái, chạy tung tóe chửi vung lên. Loạn! Nếu các nhà báo không lên tiếng để họ dẹp yên vụ này, e trật tự, an ninh lộn tùng phèo!


- Tưởng gì to tát! - Tôi thở ra - Chuyện nhỏ như con thỏ thôi mà. Lũ con nít chúng chích chơi, các bác cứ nói với bên Đoàn thanh niên họp lại. Nói nhỏ với mấy cô nàng đồng ý có ngoáy, nhưng ngoáy vừa thôi, lại nói với lũ con nít đừng chích bậy nữa. Thế là ổn! Can cớ chi mà trời sập với lộn tùng phèo!?


Hai Tễu ta cười nụ, đầu gật gật: “Hay! Hay đấy chứ, nhẩy!” làm tôi hết sức kinh ngạc. Nhìn cách gật tôi thừa biết lão đang có “âm mưu” gì đó. Đùng một cái, hôm sau cầm tờ báo tỉnh, tôi thấy một bài viết mang cái đầu đề to tổ bố: “Hãy coi chừng nạn mông tặc!” của Hai Tễu. Tôi chặc lưỡi đưa bài báo cho vợ xem. Vợ tôi vốn chất phác, quê mùa, đọc xong, nàng cười ré lên:


- À há! Mông tặc! Mấy ông nhà báo sao mà nghĩ ra lắm tặc thế? Nó chích vô mông đùa chơi chứ có cướp phá chi đâu mà tặc! Cứ đà này, nói vô phép, lỡ nó chích vô chỗ khác cũng gọi là tặc nơi đó à? Hãi quá!


Tôi đem cái điều vợ tôi “vô phép” nói với Hai Tễu. Lão cười ngất:


- Phải “rút tít” thế mới giật gân, cậu ạ! Là nhà báo dùng từ càng mới, càng lạ càng kích thích được trí tò mò của độc giả. “Tít” thế mới là “tít” nhẩy!


Tôi im re. Của đáng tội, tôi có biết quái gì là “tít” với “mù” đâu mà chẳng im re. Rồi mấy ngày sau, Hai Tễu lại rủ tôi đến một tiểu đoàn đặc công để viết việc chăn nuôi của họ. Chả là đơn vị này công tác chăn nuôi phát triển ghê lắm. Trâu, bò, lợn, gà, vịt… cứ là đầy chuồng. Nghe nhà báo phỏng vấn, vị tiểu đoàn trưởng mở sổ ra, từ tốn:


- Báo cáo các nhà báo: Để cán bộ, chiến sĩ có sức khỏe huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, chúng tôi đặc biệt chú trọng phát triển chăn nuôi. Nói râu ria thì dài, tôi xin đi vào cụ thể: Hiện tại số gia cầm của đơn vị có 200 con, thủy cầm hơn 500 con, không cầm cũng nhiều, dễ gần 100 con…


- Anh nói lại thử coi? - Tôi há hốc mồm, líu lưỡi - Gia… gia cầm thì rõ rồi. Còn thủy… thủy cầm, không… cầm là thứ con gì mà tên tuổi lạ hoắc thế? Hay các anh vừa nhập từ Amazôn bên Braxin về?


- Ô hô! Chữ nhà báo đấy! Chúng tôi suy ra từ chữ nhà báo đấy!


- Chữ nhà báo? - Hai Tễu đỏ mặt tía tai - Lại có thứ chữ nhà báo?


- Chứ sao! - Tiểu đoàn trưởng reo - Bên quân sự chúng tôi “vưỡn” hay suy ra. Chẳng hạn, nhìn thấy bếp nuôi quân có khói, đích thị anh nuôi đã nhóm lửa(!) Những thứ con các anh vừa nghe lạ hoắc đó cũng suy ra từ chữ nhà báo đó chứ!


Rồi cười tủm, anh quay sang chúng tôi, giải thích:


- Xưa nay vật nuôi gia đình, tôi chỉ nghe có hai thứ “gia” ấy là gia cầm và gia súc. Theo chỗ tôi biết, đại khái gia cầm là loài có lông vũ được con người nuôi như: chim, gà, vịt, ngan… Lâu nay tôi ngớ người thấy trên một số báo và cả phát thanh viên truyền hình gọi mấy “anh” vịt, ngan, ngỗng là thủy cầm. Mấy “anh” đó vốn là gia cầm, vì bơi dưới nước, nên nhà báo gọi là thủy cầm, vậy suy ra các loài chim nuôi như bồ câu chẳng hạn, chúng bay trên trời, ắt phải gọi là không cầm! Tôi nói thế có trật không ạ?


Tôi và Hai Tễu vừa nghe vừa giật mình thon thót. Trời ạ, đến nước này đành “tam thập lục kế, tẩu vi thượng sách”. Dọc đường về, tôi than:


- Tớ nói, cậu đừng giận. Tớ thì tớ nghĩ đơn giản, trời sinh các nhà thơ, nhà văn, nhà báo để mà nghĩ ra cái chữ đẹp, cái từ hay cho thiên hạ. Đừng thích giật gân mà “tặc” loạn cả lên, lại gặp đâu nói đó như cách “mông tặc” với lại “thủy cầm”. Vị tiểu đoàn trưởng ấy là một tay hóm ra trò đấy, lão khích chúng mình đấy! “Bên” gia súc, mấy “anh” trâu, bò vốn ăn cỏ ngoài đồng, khác chi lũ ngan, vịt kiếm mồi dưới nước, cũng may chưa có ai gọi chúng là “đồng súc”. Ôi chao! Nếu vậy thì… !


Người ta bảo nhà báo thông minh hơn người, chí lí lắm! Bằng chứng là nghe tôi than, Hai Tễu chẳng “há”, “hứ” gì sất mà cứ gật đầu mù mịt. Lại còn khen:


- Sự việc thế mà cậu bình luận được thế, khá đấy chứ! Nhẩy!


Nguyễn Xuân Diệu

Australia tăng cường luật bảo vệ nhà báo
Australia tăng cường luật bảo vệ nhà báo

Bộ trưởng Tư pháp Australia Mark Dreyfus mới đây cho biết chính phủ nước này sẽ xúc tiến triển khai các biện pháp bảo vệ nhà báo và nguồn tin của họ một cách đồng bộ, ở phạm vi quốc gia.

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN