Nhân gian có câu “con cá mất là con cá to”, quá đúng, xin miễn bàn! Tôi đã bị người ta lấy mất con cá to nhất của mình (tính cho đến bây giờ) khi con cá đó đã nằm ấm trên đôi tay bé nhỏ của tôi được chừng dăm phút.
Chuyện thế này, vào dịp 1/6 năm 1979, hôm đó Nhà trẻ của Nhà máy Liên hợp Dệt Nam Định, nơi chúng tôi được bố, mẹ gửi hàng ngày để đi làm, tổ chức chương trình biểu diễn văn nghệ Chào mừng ngày Quốc tế Thiếu nhi cho tất cả con cán bộ, công nhân của Nhà máy xem, tôi được chọn để tham gia tiết mục kể chuyện.
Buổi biểu diễn được tổ chức tại Hội trường của nhà máy, mở màn lúc 15 giờ 00 kết thúc vào khoảng 17 giờ 00, dễ có đến dăm trăm khán giả gồm cả trẻ em và người lớn đi kèm đến xem chương trình. Tiết mục của tôi mở màn cho buổi diễn, thằng bé say sưa kể câu chuyện “Chú bé tí hon”, câu chuyện mà nó đã kể hàng chục lần cho rất nhiều người nghe từ làng trên cho đến xóm dưới, từ các ông, các bà đến nhà nó họp Chi bộ cho đến các cô, các bác ở cùng phân xưởng với bố nó và ở trường mẹ nó nghe và mỗi lần kể xong nó đều được xoa đầu khen hay, trong lúc kể đến đoạn “Ngày xửa, ngày xưa, có một chú bé chỉ to bằng ngón tay cái” nó còn đưa cả ngón tay cái lên để minh họa, tiết mục biểu diễn hoàn hảo, khán giả vỗ tay không ngớt, buổi diễn cũng thành công tốt đẹp (đấy là diễn đạt theo lối viết báo cáo thành tích thời nay), kết thúc chương trình các cháu xếp thành 2 hàng ngang trên sân khấu để đại diện lãnh đạo nhà máy lên tặng quà, tôi xếp ở cuối cùng bên phải hàng thứ nhất nếu nhìn từ dưới hội trường lên.
Một bác gái, ước chừng ngoài 40 tuổi lên tặng quà cho các cháu, đến lượt tôi, bác xoa đầu và tặng cho tôi một con cá chép bằng nhựa màu đỏ, con cá rất to và đẹp, thằng bé sướng rơn, hai tay ôm chặt con cá vào lòng, nghĩ bụng tối nay về nó sẽ khoe với thằng em nó và 2 anh em sẽ chơi chung.
Hết hàng thứ nhất, bác gái tiếp tục tặng quà cho hàng thứ hai, lại lần lượt các cháu được xoa đầu và nhận quà, đến bạn gái cuối cùng đứng ngay sau lưng tôi bác hỏi han rất ân cần và thân thiết, bác còn biết cả tên của bạn ấy (chắc là có quen thân gì đây, tôi dự thế), sau đó bác lại tặng quà cho cô bé, món quà cuối cùng là 1 cái xô nhựa màu đỏ nhỏ xinh, nhưng cô bé nói với bác ấy là không thích món quà đó mà thích con cá của tôi, vì chiều lòng cô bé, bác gái đã quay lên hàng trên lấy con cá trong lòng tôi và dúi vào tay tôi cái xô nhựa.
Nước mắt thằng bé như muốn trào ra, với nó con cá là món quà đẹp nhất, giá trị nhất, ấy thế mà chính cái bác vừa trao cho nó xong lại đang tâm lấy đi mất.
Kỷ niệm chia tay Nhà trẻ để bước vào lớp vỡ lòng của tôi là buổi biểu diễn văn nghệ với con cá bị mất, còn kết cục của cái xô nhựa đỏ thì tôi chẳng buồn nhớ đến làm gì, với tôi cũng như bao người “con cá mất là con cá to”.
Viết ra mấy dòng cũng là nhớ lại kỷ niệm 35 năm về trước, chẳng có ý trách cứ gì ai nhưng cũng là cái cớ để tôi tự răn mình trong cuộc sống: Việc làm của mình có thể vô hại đối với bản thân nhưng biết đâu nó lại làm ảnh hưởng xấu đến người khác, thành một vết sẹo mãi chẳng phai mờ trong tâm trí mỗi người.
Trần Minh Quang