Khi đó, nhà ai thường cũng có cái ao nhỏ trước sân hay sau vườn dùng để rửa ráy đồ vật, lấy nước tưới rau, tưới cây ăn quả, hoặc đôi khi là tắm táp. Nước ở giếng làng chỉ dành cho việc nấu ăn, đun nước uống, chứ ít nhà dùng nước giếng để tắm, giặt..., bởi việc kéo nước lên từ giếng, rồi gánh mang về nhà là rất vất vả, nếu nhà nào đó không sát gần giếng. Mẹ tôi kể: "Khi mẹ còn trẻ, nhà cách xa giếng làng tới cả cây số nên mỗi tuần mẹ thường xuyên phải dành ra 1 buổi gánh đủ 50 gánh nước đổ đầy chiếc bể chứa để cả nhà dùng dần. Đều đặn tuần nào cũng như vậy, nếu hễ mẹ bận là bố lại phải thay mẹ gánh nước về bể chứa. Vì nước lấy từ giếng xa nhà rất vất vả như vậy nên việc dùng nước cũng hết sức tiết kiệm, chứ không vung phí...".
Vâng, theo như tôi được biết thì làng tôi có 4 cái giếng chung được chia đều cho 4 xóm. Các giếng làng này có hình hài khuôn mẫu giống nhau, miệng giếng rất rộng, lòng giếng sâu tới cả vài chục thước, được xây kè bằng gạch Bát Tràng từ dưới đáy giếng lên tới tận miệng giếng. Thậm chí gạch xây bờ gon, lát sân giếng cũng là loại gạch vuông vức to bản của làng gốm cổ nổi tiếng Bát Tràng. Nghe nói loại gạch này rất đắt đỏ nên để đào và xây nên một cái giếng là biết bao kinh phí, nó cần sự đóng góp của cả làng, cả xã mới đủ. Nước ở giếng cũng đều rất trong, mát và điều đặc biệt là không bao giờ khô cạn nước, kể cả khi đó là mùa hạn khô khát, các ao hồ, sông suối trong vùng đều cạn trơ tới tận đáy.
Lớp trẻ chúng tôi ngày nay sống không phụ thuộc nhiều vào nguồn nước của giếng làng bởi hầu như nhà nào cũng có điều kiện để đào được cái giếng khơi cho gia đình. Tuy nhiên, những cái giếng hộ gia đình ấy chỉ đủ cung cấp nguồn nước sinh hoạt cho các thành viên trong khoảng những tháng mùa mưa, còn mùa khô, mạch nước ngầm cạn kiệt thì giếng nào giếng nấy đều trơ đáy. Chính vì lẽ đó mà khi bước vào mùa khô khát, lúc mà các giếng hộ gia đình cạn khô, thì xung quanh các giếng làng lại đông vui tấp nập người ra gánh nước, chuyên chở nước mang về bể chứa để dùng.
Tại sao các giếng làng vẫn luôn chảy tràn nước mát và không bao giờ cạn trong mùa khô là câu hỏi mà bao thế hệ trong làng vẫn thắc mắc?! Có người thì giải thích rằng do giếng đào sâu tới vài chục thước nên nguồn nước ngầm là vô biên. Người khác lại bảo rằng ngày xưa các cụ xem mạch trước khi đào giếng đã chọn trúng chỗ có dòng sông ngầm nên giếng không bao giờ cạn!... Việc giải thích, lý giải là vậy và vẫn còn nhiều bí ẩn, nhưng điều thực tế mà ai cũng đều biết đó là giếng chưa từng cạn hết nước bao giờ.
Mà cũng lạ thật, có những hôm tôi nhẩm đếm có tới hàng ngàn gánh nước với tương ứng là vài ngàn thùng to được lấy lên từ giếng mà mực nước dưới giếng vẫn y nguyên như vậy, không hề ngớt đi đáng kể. Như đã nói, nước ở giếng làng không chỉ trong, mát mà còn rất ngọt ngào, vì vậy mà nhiều nhà dẫu có giếng riêng, lúc mùa mưa đã đủ nước nhưng họ vẫn ra lấy nước giếng làng mang về dành để đun nước pha trà, nấu nước vối, hay dùng để ngả tương...
Biết bao thế hệ người của làng sinh ra, lớn lên, rồi người ở lại làng, kẻ ra đi tìm miền đất hứa... nhưng tựu chung đều già và mất đi, nhưng giếng làng thì vẫn vậy. Nguồn nước vẫn vẹn nguyên trong mát ngọt ngào, dẫu hình hài của chúng có đôi chút bạc màu thời gian bởi rêu phong. Tôi cũng như khá nhiều người con khác của làng, lớn lên rồi cũng rời quê lên thành phố học hành, và khi mùa khô tới, tận mắt chứng kiến nhiều khu phố gần nơi tôi sống, và nhiều vùng quê nơi tôi đi qua, người dân đang phải chắt chiu tìm kiếm từng giọt nước để chống chọi với cơn khát. Những lúc như thế tôi vẫn luôn nhớ về hình bóng thân quen của những chiếc giếng làng quê mình với nguồn nước mát không bao giờ cạn đã cứu giúp người dân đi qua biết bao mùa khô khát...