Con và ba cùng sống dưới một mái nhà, con luôn được ba yêu thương, chở che, và chăm sóc hết mực. Vậy mà có những lúc con lại làm cho ba phiền lòng, lo lắng vì con. Những khi như vậy, con rất muốn nói với ba lời xin lỗi nhưng lại không nói được. Con yếu đuối lắm phải không ba?!
Còn nhớ, lúc con chập chững biết đi, những khi té ngã, con khóc thét để làm nũng với ba mẹ. Nhưng chỉ có mẹ là lo lắng, ân cần vừa thổi thổi, xoa xoa chỗ đau cho con. Ba thì ngược lại, ba chỉ đỡ con dậy và theo dõi những bước chân của con từ phía xa. Và trong ánh mắt non nớt của trẻ thơ ngày đó, con nghĩ chỉ có mẹ là thương con còn ba thì không. Vì thế, con dành tất cả tình yêu thương cho mẹ. Con chẳng biết rằng chính những lần ba để con tự đứng lên sau vấp ngã đó đã giúp cho con vững bước hơn trên đường đời.
Ba có còn nhớ không, bảy tuổi con bước vào lớp một. Ngày đến trường đầu tiên con đã đòi ba mua cho chiếc cặp mới vì thấy chúng bạn đứa nào cũng có. Lần đó ba đã phải thức suốt mấy đêm liền để cắm câu, chắt chiu từng đồng để con có chiếc cặp mới, không thua kém bạn bè. Lên lớp 8, con lại đòi ba mua cho chiếc xe đạp martin. Ba đã phải vất vả phụ hồ trong gần một tuần lễ mới sắm được xe cho con. Dù nghèo khó, nhưng ba không để con nghỉ học một ngày. Trong khi đó, con thì lại hay đua đòi ba mua cho thứ này thứ nọ.
Mười tám tuổi, con rời xa mái trường làng để lên tỉnh học. Lưng của ba vì thế cũng còng theo năm tháng. Thế nhưng, con thì chẳng biết được điều đó. Mỗi lần gọi điện về nhà, con chỉ quan tâm ba có gửi tiền để con đóng học phí, trả tiền nhà trọ, mua sách vở, chi tiêu… hay chưa. Vội vã, vô tình con không một lời hỏi thăm sức khỏe của ba. Cho đến một ngày kia, con đến tận nơi ba làm thuê để xin tiền. Trước mắt con là hình ảnh ba đang còng lưng vác những bao lúa to đùng, đôi chân nặng trịch vì mệt mỏi và mồ hôi thì vả ra như tắm. Lúc đó, con mới cảm nhận được hết nỗi vất vả, cực nhọc của ba. Vậy mà suốt một thời gian dài, con tiêu xài lãng phí bởi mồ hôi, nước mắt của ba mà không biết. Con đáng trách lắm phải không ba?
Con đã muốn nói với ba câu xin lỗi từ lâu nhưng lại chôn chặt trong lòng vì không đủ can đảm. Con dự định một ngày nào đó không xa con sẽ thổ lộ tất cả những điều này với ba. Và lúc đó, có lẽ ba sẽ vui sướng và hạnh phúc biết bao khi thấy con đã khôn lớn, trưởng thành và biết nói câu: “Ba ơi, con xin lỗi!”.
Lê Văn Xuân