Mùa đông xứ Bắc quả là luôn khắc nghiệt, nhất là ở các tỉnh miền núi, bởi cái lạnh giá. Nhiều khi nền nhiệt độ hạ xuống tới ngưỡng con số 0 độ. Những hôm như thế, thường xuất hiện băng giá khiến những giọt sương mai, hoặc những giọt mưa nhỏ li ti đọng trên cây, lá bị trĩu nặng bởi một màu trắng của nước đá. Tuổi thơ tôi được đo đếm bằng chiều dài của biết bao nhiêu mùa đông giá lạnh như thế, khi bất chấp giá rét, mỗi ngày tôi vẫn băng rừng lội suối bằng đôi chân trần để đến lớp học bên kia một con dốc.
Thương con phong phanh áo mỏng nhưng mẹ cũng không biết làm thế nào, bởi khi đó không chỉ riêng nhà tôi nghèo, mà cả bản cả làng cũng nghèo chung như thế. Chẳng vậy mà lũ trẻ chúng tôi đứa nào đứa nấy đều phải sống chung với mùa đông bằng những manh áo luôn không đủ ấm. Hình như con người ta sinh ra trong môi trường, hoàn cảnh nào thì luôn phải tự thích nghi với môi trường và hoàn cảnh đó. Chẳng phải riêng lũ trẻ, mà hết thảy người dân thung sâu, núi thẳm quê tôi cũng đều chịu rét rất giỏi. Cha, mẹ tôi thường đi rừng cũng chỉ bằng đôi chân trần và manh áo thổ cẩm tự dệt vậy mà cũng đi qua biết bao nhiêu mùa đông.
Tôi còn nhớ, hồi cả bản chỉ có nhà già làng A Dú là có chiếc đài cassette to bằng viên gạch dùng để nghe thời sự cũng như các chương trình dự báo thời tiết. Mẹ tôi, cũng như nhiều người trong bản khác thường mỗi tối qua nhà A Dú để nghe đài, ngóng tin thời tiết của ngày hôm sau ra sao để liệu chừng cho mùa màng, cây trồng. Nếu nghe thấy đài nói ngày mai có rét đậm, rét hại, kết hợp có sương muối là kiểu gì đêm đó mẹ cũng mất ngủ vì lo cho mấy luống ngô, sắn bị táp lá.
Những hôm nhận tin tức thời tiết như vậy, mẹ nhắc mấy anh chị em chúng tôi đến trường phải mặc thêm vài manh áo mỏng bên trong, vì mẹ sợ chúng tôi cảm lạnh. Luôn lo toan cho các con trong khoảng thời gian đi ra ngoài, ở trường đã đành, những hôm trời rét đậm, gió thổi hun hút lùa dưới gầm nhà sàn mạnh hơn, mẹ bao giờ cũng chăm chỉ cho thêm vài khúc củi cho bếp lửa giữa nhà thêm đượm, để hơi ấm lan tỏa khắp nhà, đẩy lùi giá lạnh ra xa. Ban đêm, mẹ luôn cắt nửa chừng giấc ngủ để canh cho bếp lửa khỏi tắt, đảm bảo cho chồng, các con yên giấc, bởi những tấm chăn cũng quá ư mỏng manh.
Vì nghèo, đói, thiếu thốn áo quần, chăn mền để chống chọi với cái lạnh nên tôi luôn ghét mùa đông. Luôn ước muốn nó đừng bao giờ tới, và khi tới rồi thì lại ước nó qua đi thật nhanh để được sống trong hơi ấm của ánh mặt trời rạng rỡ. Mùa đông của thuở thiếu thời thiếu thốn và nghèo khó tôi cũng luôn mơ ước mai này lớn lên làm ra tiền sẽ mua thật nhiều áo ấm cho mẹ cha, cho bản thân để không phải lo sợ trước lạnh giá. Tôi luôn ước mơ vậy là vì tôi thấy thương mẹ cha quá, khi không chỉ nhường ăn cho các con, cha mẹ tôi còn luôn dành phần mặc nhiều hơn cho chúng tôi, khi chỉ chuẩn bị phương tiện chống rét cho mình là những manh áo cũ kỹ, sờn rách, đã mặc qua mặc lại nhiều năm.
...Những mùa đông tới rồi lại qua đi, tôi lớn khôn rồi xuống phố tiếp bước con đường học hành mà ít có dịp trở về thăm quê. Mỗi khi đông về, các con phố ngập tràn gió lạnh, tôi lại nôn nao hướng về quê nhà, lo mẹ cha tôi, dân bản tôi liệu có đủ áo ấm để chống chọi giá rét. Biết rằng mẹ cha chưa có thật nhiều áo ấm tươm tất, nên những lúc như vậy tôi luôn ước mẹ cha đang ngồi sưởi ấm bên bếp lửa, và thầm mong ngoài trời nhiệt độ đừng hạ, những cơn gió đông hãy thổi nhẹ nhàng hơn...