Bây giờ thì khu cư xá của tôi có thêm tiếng cười của ông. Tiếng cười to, giòn tan “thả ga” không cần phải giữ gìn. Buổi sớm còn mờ đất, tôi đi tập thể dục về đã gặp tiếng cười ấy. Tối khuya khi các gia đình đã đóng cửa nghỉ ngơi, ông còn cười một chuỗi dài rồi mới cà nhắc đôi dép lê về căn hộ của ông ở đầu phía bên kia khu cư xá.
Chúng tôi cùng ông sống trong khu cư xá cũng đã hơn chục năm rồi nhưng tiếng cười của ông xuất hiện ở phía dãy nhà chúng tôi mới chừng hơn hai năm. Có lẽ trước đây ông đã cười lớn ở phía bên đó nhưng chúng tôi không để ý. Gần đây, dãy nhà chúng tôi xuất hiện thêm thế hệ thứ ba (so với lớp chúng tôi), các cháu lớn lên bi bô hồn nhiên rất dễ thương, ông đến chơi với các “bạn trẻ” ấy và…cười. Tiếng cười của ông vang lên phía dãy nhà chúng tôi là từ thời điểm đó. Đầu húi cua, dáng cao gầy, da đen cháy nắng, chân bước “cà rịch cà tang” (mà ông có gì phải vội), mắt miệng luôn nhóng nhánh cười.
Cười hết cỡ. Thấy người ở xa ông đã cười. Cười thay cho tiếng chào hỏi. Đặc biệt là các bạn nhỏ ba, bốn tuổi. Thấy “các bạn” là ông sà ngay vào cười nói tíu tít không cần để ý đến “thiện chí” của các bạn ấy ra sao. Và không cười thì nói. Nói rất to. Vừa nói vừa cười. Thấy các bạn nhỏ đang lẫm chẫm đùa chơi, ông vỗ tay vừa cười vừa hát: “Một con vịt xòe ra hai cái cánh. Nó kêu rằng quác quác quác! Quạc quạc quạc! Gặp hồ nước nó bì bà bì bõm. Lúc lên bờ vẫy cái cánh cho khô”. Lâu dần, các bạn nhỏ trong khu cư xá quen với ông. Các bạn gọi ông là “Ông cười”. Thấy ông từ xa đã tíu tít bảo nhau: Ông cười kìa! Ông cười đến đấy!
Biết ông không nghe được, khi gặp ông, tôi chỉ cười thay cho câu chào hỏi. Rất nhiều lần muốn hỏi ông một câu nhưng đành chịu. Dường như biết được sự ấm ức ấy của tôi, có bữa ông nói: Điếc có nghe thấy gì đâu. Tôi nói tôi nghe. Và cười.
Ông thường dậy rất sớm. Tờ mờ sáng, tôi đi bộ ra ngoài đường lớn đã thấy ông đứng vẩn vơ ngoài cổng khu cư xá. Vẫn cười cười thay cho câu chào. Rồi ông hỏi: “Tập thể dục hả? Một, hai, ba, bốn! Lạch bạch ta vạch đường cong. Ta đi số bốn ta vòng số ba. Lạch bạch ta vạch đường xa. Ta đi số sáu ta ra số mười. Ha ha!...”. Còn “chọc” tôi: “Bác tập ít thôi. Tập nhiều là nó teo đi đấy!”.
Sau này để ý mới thấy, các buổi sớm ông không đi với chân tay không mà thường cầm theo một bao xác rắn, dạo qua trước các cửa nhà. Ông đi nhặt những mảnh bìa cac-ton, báo cũ, vỏ lon bia, vỏ chai nước ngọt dồn lại bán cho vựa phế liệu, góp nhặt trang trải thêm cuộc sống.
Thế mà khi đến chơi với các bạn nhỏ ông vẫn cười giòn tan, cười như chưa bao giờ được cười.