Cách thức thầy giáo vỡ lòng của tôi bắt đầu một buổi học là thầy dùng cây thước gỗ chia tấm bảng đen ra ba phần tương đối. Trong quá trình giảng bài, tất cả các đề mục được thầy lấy thước tỉ mẩn gạch chân, thao tác ấy là một phần tâm huyết nằm ngoài trang giáo án, biểu thị đức tính cẩn thận mà thầy muốn chúng tôi nghiêm túc học hỏi. Đám học trò non nớt thường hay chăm chú đến mê mẩn trước những đường kẻ ngay ngắn, thẳng băng được tạo nên từ tay thầy. Cây thước gỗ ngày ấy luôn khơi gợi hứng thú học tập và cũng là công cụ để người thầy biểu thị tính cách nghiêm khắc. Là khởi thủy của những đường kẻ sắc lạnh, vô tri mà rất đỗi sống động, góp phần xây đắp nền nếp cho đời…
Buổi ấy chúng tôi còn quá bé nên hội phụ huynh của lớp đứng ra sắm sửa dụng cụ lớp học, cây thước gỗ, khăn trải bàn, lọ hoa, thau và giá để thau rửa tay, chổi quét lớp... Thước dài một mét, bản dày hay mỏng, nhỏ hay to tùy theo ý thích và được những người thợ mộc chia khấc, các khấc cách nhau từng mi-li-mét một. Ai đó có còn nguyên xi cảm giác lần đầu thầy gọi tên mình lên bảng, được cầm cây thước gỗ làm bài tập như tôi không? Tay trái cầm thước dí lên bảng để tay phải dùng phấn kẻ đường thẳng mà sao hồi hộp quá nên không sao giữ cho cây thước thăng bằng được. Chòng chành mãi cuối cùng thầy đã phải đưa tay cùng tôi giữ thước. Bàn tay ấy như một phép màu, giúp tôi điềm tĩnh kẻ nên những đường nét đầu tiên của cuộc đời...
Thầy hay dùng thước để răn đe cái kiểu túm năm tụm ba trong lớp học của chúng tôi. Những tiếng giáng thước xuống bàn có thể đến bất cứ lúc nào, và nó hay tới vào lúc các cô cậu không ngờ nhất. Bất cứ đứa trò nào mà nghe tiếng đập sấm sét đó thì con tim non nớt như chực bung ra khỏi lồng ngực. Mặt ai cũng cúi gằm, nghiêm nghị như chính bản thân mình vừa gây ra lỗi gì đó? Các tật xấu làm nên “thương hiệu” tuổi học trò, quay cóp, trêu đùa nghịch ngợm, làm việc riêng... trong lớp là khắc tinh của những tiếng kêu long trời lở đất đó. Thời gian càng nhích nhắc, âm thanh ấy càng vọng vang mồn một, gợi nhớ công ơn người thầy năm xưa dày công uốn nắn...
Ngày ấy ít khi thầy dùng thước gỗ đánh đòn học trò, tuy nhiên đứa nào mắc lỗi “nghiêm trọng” vẫn bị thầy giáo huấn bằng những lằn thước ra trò trên mông Đối diện với thầy cùng cây thước gỗ, tôi hay tự trấn an bản thân với lý do không ít lần đã được thầy cho nếm “mùi lằn” rồi nhưng mỗi lần tái phạm thì vẫn vẹn nguyên cái cảm giác như lần đầu tiên mình mắc lỗi, lần nào cũng bị hồn bay phách lạc…
Hiểu được như thế để càng khắc sâu ơn thầy dạy dỗ, thấu đáo hơn cái uy của cây thước nặng nề, bình dị ngày xưa...
Nguyễn Tiến Dũng