Rươi sống chủ yếu ở những vùng đất trũng tiếp giáp giữa nước ngọt và nước lợ, có hình dạng trông gần giống một con đỉa lai con rết với thân hình nhũn nhũn nhưng rất nhiều chân.
Thường trong một năm rươi xuất hiện nhiều đợt kéo dài từ tháng 5 cho đến giáp Tết âm lịch, gặp những ngày nước thủy triều dâng lên, những con rươi chui ra khỏi mặt đất (còn gọi là nứt lỗ rươi), người ta mới đem xăm hoặc vợt làm bằng vải màn đi vớt rươi.
Rươi là loại thực phẩm có độ đạm cao, khi sống rươi mềm mềm đủ mầu xanh, đỏ, vàng, xám vằn vện trong lớp nhớt quánh như hồ và sặc mùi tanh. Khi đã qua bàn tay khéo léo của các bà nội trợ, rươi lại trở thành món ăn đặc sản thơm ngon. Rươi có thể chế biến thành nhiều món như chả, nem, nấu riêu, xào hoặc làm mắm rươi...
Món phổ biến và ngon được làm từ rươi là món chả. Rươi đem làm lông, sau đó lấy đũa đánh cho nhuyễn, kèm theo thịt heo băm nhỏ, trứng vịt, nước mắm, tiêu, hành,... tất cả cho vào đánh lẫn ra. Dầu ăn đun sôi già, dùng chiếc muôi nhỏ xúc từng thìa rươi cho vào. Rươi làm chả cần để nhỏ lửa cho chín kỹ mới không tanh. Món chả rươi này ăn nóng mới ngon, khi ăn chấm với nước mắm chanh, tỏi, ớt, hạt tiêu điểm mấy cọng rau thơm. Còn món nem rươi thì nhân nem được làm giống như nguyên liệu làm chả rươi nhưng có thêm vài sợi miến cắt khúc và chút nấm hương mộc nhĩ thái nhỏ với mấy sợi củ đậu thái chỉ. Miếng nem rươi chấm nước mắm giấm, đường, tỏi, ớt, hạt tiêu với vài cọng rau ghém rất lạ miệng.
Mắm rươi là loại mắm đặc sản quý hiếm bậc nhất trong các loại mắm bởi kỹ thuật làm mắm rất cầu kỳ. Chọn rươi sạch, dùng đũa đánh nát rươi thành bột, trộn muối. Cho rươi đã trộn kỹ muối vào hũ rồi đậy kín nắp, bọc kỹ phơi ngoài nắng. Khoảng từ 3 - 4 tuần kể từ khi cho rươi vào hũ thì cho thêm ít rượu trộn đều; được 5 - 6 tuần cho thính gạo nếp trộn đều với mắm rươi; từ 7 - 8 tuần cho bột gừng, bột vỏ quýt; được 10 tuần, chuyển mắm từ hũ sành sang chai, nút chặt, bọc ni-lông rồi tiếp tục phơi nắng. Kể từ khi cho muối vào rươi phải phơi nắng liên tục trong 3 tháng thì mắm mới ăn được. Mắm làm đúng theo quy trình trên sẽ để được cả năm, mắm có màu sắc tươi đẹp, thơm ngon đặc biệt, từng dùng dâng vua chúa trong triều đại phong kiến.
Ngày xưa quê tôi rươi có rất nhiều, cứ đến mùa là tha hồ đi bắt. Giờ đây do sử dụng nhiều hóa chất, thuốc trừ sâu trong sản xuất nông nghiệp cũng như việc xây dựng các hệ thống đê điều khiến cho điều kiện sinh trưởng, phát triển của rươi còn rất ít. Vì vậy món rươi dân dã là thế nhưng giờ đây đã trở thành một món đặc sản có giá thành cao và không phải lúc nào cũng dễ tìm ăn được.
Thy Hoàng