Tiếng thét trong vườn mận

Hôm ấy, mặt trời vừa lên khỏi bờ tre, tiết trời còn se lạnh, tôi đang trầm mặc trước hai ngôi mộ nằm cạnh bụi hoa lài thơm phức, bỗng có bàn tay ai đó đặt nhẹ vào vai tôi:

- Anh Thành tới hồi nào vậy ?

Tôi vội ngước lên, giật mình vì thấy anh Bảy Si. Cả hai chúng tôi nhìn nhau trong ánh mắt nghẹn ngào. Anh Bảy đặt hai dĩa trái cây xuống hai ngôi mộ khói hương còn nghi ngút rồi quay sang tôi bày tỏ nỗi niềm:

- Năm nào tới ngày Thương binh liệt sĩ anh cũng đến đây đốt nhang, chắc dưới suối vàng ba má tôi sẽ ngậm cười có được người con nuôi hiếu thảo như anh.

Sau một hồi thầm thì trước mộ, anh Bảy kéo tôi đến chiếc băng đá dưới gốc bằng lăng ngồi tâm sự. Nhìn bức ảnh của má trên mộ bia, tôi không sao quên được khuôn mặt già yêu thương và cái miệng nhai trầu bỏm bẻm của má năm xưa. Nhớ nhứt là mỗi lần tiễn anh em ra trận, má thường nhét vào túi mỗi đứa một điếu ruby kèm theo mấy lời dặn dò muôn thuở “Tụi bây nhớ đánh nhanh về sớm nhe ! ”
Tôi buồn bã nhắc lại chuyện của một thời xa tít:

- Tôi còn sống sót đến hôm nay cũng là nhờ công ơn của má. Nếu như tết Mậu Thân mà không có má và Liễu khiêng tôi về hầm bí mật băng bó và lo cho tôi từng vắt cơm, bát cháo thì tôi đâu còn sống sót đến ngày hôm nay…

Anh Bảy Si cũng bùi ngùi nhớ lại cuộc đời tần tảo và sự hy sinh vô bờ bến của mẹ mình, một người mẹ cặm cụi từ sáng tới chiều. Có những lúc khó khăn, mẹ phải ra đồng bắt từng con cua con ốc để sống qua ngày. Bốn mùa mưa nắng mẹ chỉ có chiếc áo vải sờn vai và chiếc khăn quàng quấn cổ. Vậy mà khi cách mạng cần, gia đình đã sẵn sàng đóng góp tài sản, ruộng vườn, nhà cửa để phục vụ cho chiến đấu. Mẹ mình cũng vậy, từ một phụ nữ nghèo lam lũ rồi theo chồng, theo con để lần hồi gắn bó thuỷ chung với cách mạng và trở thành người mẹ chiến sĩ, người mẹ anh hùng.

Gặp anh Bảy Si tôi lại chạnh nhớ về một thời xa lắc xa lơ. Lúc tôi mới chuyển đến, nhà anh đã là chỉ huy sở của khu 9, ba má anh tức chú thím Hai Tứ đã nhận tôi làm con nuôi. Năm đó tôi vừa hai mươi tuổi. Còn Liễu, em của anh Bảy mới mười bảy tuổi, trông dáng nữ sinh thanh thoát, nhưng có vẻ gan lì, lúc nào cũng đòi theo bọn nầy làm liên lạc hoặc cấp cứu thương binh.

Chú Hai Tứ, một nông dân tay lấm chân bùn nhưng không nề gian khổ, tù đày, chết chóc. Chú đã tình nguyện vào đơn vị địa phương và động viên các con đi bộ đội. Hồi trẻ, chú đã từng quảy phảng, xách cù nèo ra đồng phát cỏ, suốt ngày hùng hục ngoài đồng, lúc khát bụm tay vốc nước uống nghe ừng ực, về nhà ăn cơm nguội, húp mắm kho nghe rồn rột mà vẫn mạnh như trâu. Bây giờ, chú và vợ con đã trở thành những chiến sĩ cách mạng, vinh dự lớn nhứt của gia đình chú là toàn bộ khu vườn và nhà cửa đã được Khu uỷ chọn làm sở chỉ huy tiền phương đầu tiên. Trong căn cứ, ngoài má Hai ra còn có đông đảo chị em phụ nữ tích cực tham gia chiến đấu trong phong trào dân quân du kích nhưng má Hai là người hăng hái đi đầu trong mọi hoạt động.

Nhà má Hai nằm giữa một khu vườn trồng mận hồng đào. Thế nhưng, ngôi nhà đã nhiều lần bị bom phá sập, chỉ còn lại mái sau đủ che chiếc hầm nổi kiên cố nên má đã dựng tạm ngôi nhà nhỏ bên cạnh một bờ sông đủ để che nắng che mưa. Trong công tác, má Hai lúc nào cũng tỏ ra khôn khéo và đầy mưu trí, đặc biệt là tình cảm của má đối với các thương bịnh binh thật thắm thiết. Ai đã tới gia đình dù là cấp chỉ huy hay cần vụ, liên lạc cũng đều được má tận tình chăm sóc và đối xử như ruột rà.

Sau tết Mậu Thân, với âm mưu “tát nước bắt cá”, địch đã liên tiếp mở các cuộc tấn công vào khu căn cứ Vườn Mận bằng phi cơ và đạn pháo. Nhiều người sợ quá bỏ ra thành lánh nạn nhưng ai đi cứ đi, ai chạy cứ chạy, má vẫn bình chân như vại, quyết cùng chồng ở lại chiến đấu. Nhưng cuối cùng chồng má đã anh dũng ngã xuống trong lúc đang làm nhiệm vụ.

Vừa hay tin, má Hai đau đớn như vò xé ruột gan, nước mắt trào ra tưởng không thể cầm lại được, người má dần dần khô héo đi. Một hôm, máy bay địch oanh kích bất thần, tôi và đồng đội không kịp xuống hầm nên một số đã bị thương nặng. Trước tình hình cấp bách đó, Liễu đã liều mình ra kéo tôi định đưa vào hầm trú ẩn để băng bó nhưng chưa kịp thì Liễu đã bị một mảnh đạn ghiêm trúng ngực làm Liễu ngất lịm trong lúc tay còn choàng lấy tôi. Khi mọi người ra bồng lên thì Liễu đã tắt thở. Với má, nước mắt tiễn đưa chồng chưa ráo nay lại nhận thêm hung tin nên lần nầy má bị ngất xỉu bên thi hài của đứa con yêu quý do mình rứt ruột đẻ ra.

Nhưng đau thương mất mát không làm má sờn lòng mà còn giúp má tăng thêm sức mạnh. Nhiều đêm khuya lơ khuya lắc ma má vẫn một mình bơi xuồng len lỏi dọc theo cac dòng kinh, con rạch, áo quần ướt đẫm sương khuya để hoàn thành nhiệm vụ mà không một lời than thở. Càng đau xót bao nhiêu má càng xông xáo bấy nhiêu khiến cho mọi người nể phục.

Có một lần bộ đội đi ngang qua nhà má, má chận đường hỏi :
- Mấy con đi đâu vậy ?
- Đánh sân bay má ơi ! Nếu thắng trận nầy má đãi tụi con gì đây?
- Cháo gà. Tụi bây hãy về sớm ăn cháu gà nhe !

* * *

Hôm đó, gió chiều như gợi cơn buồn, tôi và một số anh em sau một ngày chiến đấu vất vả rủ nhau kéo đến nhà má hái mận ăn với nước mắm đường. Cái chòi lá của má nằm bên cạnh một con rạch, hai bên cây cối um tùm, trước nhà có những cây mận hồng đào trái chín đỏ rực, đong đưa lúc nào cũng như mời như gọi. Anh em kẻ nằm, người ngồi, vừa ăn vừa nghe Đài tiếng nói Việt Nam. Má đang nấu nướng dưới bếp, mùi cá bống kho tiêu mỡ hành bốc lên thơm phức.

Trời đã nhá nhem, má đốt cây đèn ống khói mang ra đặt giữa bộ ngựa
- Hôm nay các con ở lại ăn cơm với má.
Mọi người đều nhảy xổm lên bộ ván ngựa ngồi chờ má mang đồ ăn ra…

* * *

Con rạch phía sau nhà lúc nước ròng để lộ những bãi bùn láng cót, một đám biệt kích chừng năm sáu thằng đang kéo hàng một lội qua, tay súng huồm huồm, mắt lăm lăm nhìn về phía ngọn đèn tù mù. Khi mọi người vừa cầm đũa, bỗng má đưa ngón tay ra lệnh – Im! Mọi người căng thẳng. Đúng là có tiếng lội bùn nghe óp ép, ột ệt giống như tiếng trâu nằm vũng. Linh tính báo cho má biết có chuyện gì không hay. Má liền bước lại gần vách cố nghe trong im ắng phập phồng có tiếng người lội mương, tiếp theo là tiếng lau sậy khua xào xào như tiếng heo luồn trong cỏ. Má hốt hoảng lấy tay vạch vách lá nhìn ra phía trái thì thấy địch đã lên tới bờ cách chòi chừng vài chục bước…

- Ai đó? Đứng lại – Má cố gắng thét thật to và ra lệnh cho anh em rút lui.
Bọn địch ra lệnh.
- Đứng im! Nếu không tôi sẽ bắn.

Má vẫn tiếp tục thét và cản đường không cho chúng rượt theo. Bọn quỷ sứ tức tối đã nhắm ngay má nả súng làm má khuỵu ngã.

Anh em phóng nhanh về phía sau vườn mận và chỉ kịp nghe giọng nói cuối cùng của má “ Rút nhanh, đừng lo cho má ”.

Tôi và đồng đội vừa chạy vừa chống trả nhưng sợ bắn nhằm má nên ai nấy cũng thận trọng từng viên đạn. Má đã bị gãy chân ngay loạt đạn đầu nhưng một tay vẫn cố bấu víu vào cây cột, một tay lần tìm quả lựu đạn. Ngay lúc đó, một tên biệt kích đã nhào tới dí súng vào ngực má dọa :

- Việt cộng đâu? Hầm bí mật đâu? Ai cầm đầu? Bà hãy khai mau ra! Nếu không tôi sẽ kết liễu bà.

- Tao không biết hầm bí mật nào cả. Nếu có giỏi thì tụi bây cứ đi tìm. Tao có chết, các con tao cũng không tha cho tụi bây đâu.
Biết không khai thác được, chúng liền quay mũi súng bắn cả loạt đạn vào má và rút nhanh nhưng chỉ một lát sau cả bọn đều đền tội…

* * *

Trong giây phút thiêng liêng của ngày hăm bảy tháng bảy, đứng bên mộ của những người thân yêu, mắt tôi cứ trào ra. Tôi nhớ má, nhớ Liễu và nhớ anh em đồng đội vô vàn. Tôi bồi hồi bẻ một cành hoa mua màu tím rịm cắm trước mộ Liễu, loại hoa mà Liễu thường hay vắt trên đầu súng. Tôi đứng thật lâu như muốn nấp vào quá khứ một chút cho tâm hồn yên tĩnh nhưng càng muốn yên tôi lại càng thương nhớ nàng, thương nhớ chuyện một thời chiến đấu, nhớ cả cái dáng thon thả và giọng cười hiền dịu của nàng, một người con gái bình dị, tóc lúc nào cũng thơm mùi hương hoa cỏ dại, lúc nào cũng có một khoảng trời mơ ước và náo nức.

* * *

Giờ đây, vườn Mận đã trở thành khu di tích lịch sử. mỗi lần nhắc đến má Hai, ai cũng cảm thấy lòng bổi hổi bồi hồi, thương nhớ má, một bà má giàu lòng nhân ái, suốt đời chịu thương chịu khó và sẵn sàng hy sinh tất cả cho quê hương làng xóm. Má là hình ảnh bất tử của người phụ nữ ở lộ Vòng Cung tuyến lửa năm nào, tất cả mọi người đều khâm phục và tự hào về má, về tầm vóc của một bà mẹ Việt Nam anh hùng.



H P



Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN