Ước mơ từ thuở xa xăm

Bà Giàng Súa không có chồng. Bà ở một mình trong túp nhà nhỏ bên tảng đá có cây đào già gốc sần sùi, nhưng mùa xuân nào cũng nở hoa rất đẹp. Lũ cháu gọi bà bằng bà, bằng bác, và lít nhít lũ trẻ con mấy nhà hàng xóm thường tíu tít, rúc rích chật cứng trong túp nhà nhỏ của bà, túm tụm quanh bà dưới gốc cây đào già. Chúng thường thắc thỏm chờ lúc bà xong công việc để níu váy áo đòi bà kể chuyện. Kỳ thực, ngay cả lúc ngồi bên bếp lửa kể chuyện chiều lòng lũ trẻ, bà Súa vẫn làm việc. Miệng bà kể nhưng tay bà vẫn tước lanh. Lũ trẻ nghếch mắt chờ đợi, tiếng bà trầm trầm:


- Ngày xửa, ngày xưa...

Minh họa: Trần Thắng


Yên lặng bao trùm cả túp nhà. Bếp lửa than đỏ rừng rực, lửa không reo nữa, chỉ khẽ liu riu, ánh lửa chập chờn, mờ tỏ. Hoặc dưới gốc đào già thì gió không thổi nữa, dòng suối dưới kia cũng không róc rách nữa. Chỉ còn tiếng bà Súa trầm trầm, nhẩn nha. Bà kể chuyện Nhà Trời, chuyện ông Chày, bà Chày, chuyện cô tiên, chuyện chàng trai Mông tuấn tú. Tiếng bà Súa thủ thỉ bên tai, mà nghe như tiếng rừng già lao xao trong gió, như tiếng suối rì rào trong đêm, dẫn lũ trẻ vào cõi xa xăm. Các vị thần linh, các cô tiên, các chàng trai, cô gái, các ông già,bà lão và muôn loài muông thú hiện lên lung linh huyền ảo. Bà Súa kể nhẩn nha, chậm rãi, giọng trầm ấm. Hình như lũ trẻ thiu thiu, thiêm thiếp, mơ màng, nhưng kỳ thực chúng vẫn thức, vẫn lắng nghe, từng tiếng, từng lời bà Súa vẫn chảy vào tai chúng. Con mèo khoang quên đi rình chuột nằm khoanh tròn trên đống tro, mắt lim dim. Con chó ngồi chống chân bên cạnh, giỏng tai nghe, không vẫy tai, không chớp mắt.


Có hôm một đứa trong bọn nài nỉ:


- Bà Súa ơi! Chúng cháu thích nghe bà hát.


- Hát à! Nhiều bài hát lắm. Có bài hát vui, nhiều bài hát buồn.


- Bài nào chúng cháu cũng thích.


Từng ngón tay bà Súa vẫn mải miết với cuộn lanh, đôi mắt bà chớp chớp, lim dim, ấy là lúc những câu hát bắt đầu cất lên, lũ trẻ hồi hộp đón chờ.


Bà hát những câu hát buồn tủi của đứa trẻ mồ côi. Tiếng hát trầm buồn kể những nỗi gian nan cơ cực trong cảnh côi cút. Nhưng rồi vẫn sáng lên của ý chí tự tin.
Trâu be không chết, trâu be thành trâu mộng.


Mồ côi không chết, mồ côi thành chàng trai cường tráng...


Bà hát những câu ai oán của cảnh làm dâu gặp mẹ chồng cay nghiệt. Tiếng hát hờn giận xót xa. Má cái Mỷ lăn hai hàng nước mắt. Nó thổn thức, xụt xịt. Mấy đứa con trai cũng chống tay lên má rũ buồn.


- Thôi! Không hát bài buồn khổ nữa. Hát bài vui nhá.


Bà Súa vẫn thoăn thoắt ngón tay, nét mặt dần giãn ra, mắt dần ánh lên niềm vui. Ấy là lúc những câu hát vui đã dâng lên trong tâm trí của bà. Lũ trẻ thay đổi thế ngồi, phấp phỏng đón đợi. Vẫn cái giọng đều đều ấy cất lên, nhưng hơi cao hơn, ấm sáng hơn. Bà Súa dẫn lũ trẻ vào những cuộc đối đáp, mời gọi, ướm hỏi, chan chứa yêu thương của các đôi trai gái trong ngày hội xuân hay những đêm trăng đẹp. Lũ trẻ chưa biết yêu là gì, nhưng giọng hát của bà Súa đã hút hồn chúng, phả vào chúng, man mác bâng khuâng, rạo rực mơ hồ. Nghe đâu, bà Giàng Súa ngày xưa đẹp lắm, đẹp nhất nhì trong làng. Bà đã từng có những hẹn hò, đã thủ thỉ đối đáp bằng đàn môi, khèn lá, đã hát những lời hò hẹn yêu đương với chàng trai khỏe đẹp nhất làng bên. Bà đang sống lại thời thiếu nữ rực rỡ váy thêu, đôi má ửng hồng e ấp trước bạn trai, sống lại thời của bạn bè cùng trang lứa với hội Sải sán đầu xuân hay đêm trăng bên suối.


Câu hát hết lại không hết, như dòng suối chảy mãi.


Bà ca dứt lại không dứt, dứt như khe nước cuộn dâng.


Rồi bà lại hát những bài hát về thần núi, thần sông, về thần Trời, thần đất. Hát như kể chuyện. Kể chuyện mà như hát.


Những bài hát như dòng suối từ lòng núi chảy mãi. Bà Giàng Súa là cái kho vô tận những câu chuyện, những bài hát.


Cái Mỷ thỏ thẻ hỏi:


- Bà ơi! Ai cho bà nhiều câu chuyện, nhiều bài hát thế.


- Ồ dô! Không phải của bà đâu. Của cả làng đấy, của ông bà bố mẹ đấy. Người làng mình, cả cái vùng này nhiều câu chuyện, giàu bài hát lắm. Kể mãi không hết. Hát mãi không cạn đâu cháu ơi.


- Nhưng làng mình nghèo quá bà nhỉ.


Thằng Lồ buông một câu bất ngờ.


- Ồ dô ! Nghèo quá! Chuyện dài lắm cháu ơi!


Tiếng con gà trống đập cánh phành phạch rồi gáy ô ô…


Khác với bà Giàng Súa, ông Sùng Tếnh thường kể chuyện cho lũ trẻ trong làng nghe giữa núi đồi bát ngát. Khi trên mỏm đá chênh vênh, khi bên dòng suối tung bọt trắng xoá, khi ở cổng trời lãng đãng sương, mở ra triền núi trước mắt nắng lấp loá và vòm trời cao, mây trắng bồng bềnh. Cũng có khi ông cháu ngồi kể chuyện trên vạt nương chênh vênh, ngô mọc chen đá xám nhấp nhô. Lũ trẻ phóng tầm mắt theo tay ông chỉ. Sau dãy núi yên ngựa kia là vùng đất Rồng Hoa. Vùng đất bằng phẳng, cây cối tốt tươi, nhà người Mông, người Nùng, người Thu Lao lập làng, nhà nhà tụ họp quây quần. Xuân ấy, các làng trong vùng cùng mở hội. Tiếng hát, tiếng nói cười hò reo, tiếng chiêng trống vang đến tận Nhà Trời. Người Nhà Trời vén mây nhìn xuống thấy cuộc vui mà thèm. Rồng Hoa lượn mình theo một đám mây, từ Nhà Trời bay xuống dự hội. Nó cuốn mình uốn lượn, sắc màu lấp lánh của vây, của vẩy trên thân mình rồng hòa nhập vào sắc màu những tấm khăn, những ngực áo và những tấm váy thêu thùa. Mải vui đến khi trời sáng, Rồng Hoa không về trời được nữa, phải nằm lại, biến thành hòn đá hình con rồng bên ruộng lúa, nương ngô cạnh làng...


Ông Sùng Tếnh kể về con suối bên làng. Suối Tiên đấy. Con suối này xa xưa nước chảy dào dạt quanh năm. Hai ba nhánh suối từ các triền núi, đến làng mình thì nhập lại. Nó nhảy nhót, nó ào ào dội xuống tung bọt trắng xóa rồi sững lại, thảnh thơi từ từ quay tròn giữa vụng đá. Dòng nước trong mát, nhìn rõ từng hòn sỏi trắng, sỏi xanh. Những đêm trăng, các nàng tiên trên trời thường rủ nhau xuống tắm. Vùng vẫy thỏa thuê với suối mát trần gian quê mình, mãi đến khuya, các nàng tiên mới vẫy một làn mây trắng sà xuống để cưỡi mây về Nhà Trời. Cũng có khi, cả làng im ắng trong giấc ngủ, các nàng tiên rón rén, nhè nhẹ bay lên mỏm đá đầu làng, lướt qua các hiên nhà, các nương ngô, các mảnh vườn mơn mởn, đứng dưới các cây mận, cây đào, cây lê trĩu quả ngắm nhìn một hồi lâu rồi mới bay đi. Có lần, ông Sùng Tếnh dẫn bọn trẻ lên đỉnh Pô Xiên. Chỉ cánh con trai theo ông lên đến tận nơi, dù mũi và mồm tranh nhau thở như trâu vừa kéo xong một cây gỗ to ngược dốc. Mấy đứa con gái chẳng dám đi. Chúng nó ngại dốc cao, hay lo làm chưa xong phần việc nả (mẹ) giao cho ở nhà. Đỉnh Pô Xiên trải ra một khoảng đất bằng, cỏ trải một lớp nệm êm. Đứng trên đỉnh Pô Xiên, nhìn ra bốn phía bát ngát. Núi nhấp nhô, đua chen lớp lớp chầu tụ cả về Pô Xiên. Xa xa, đất cuộn dâng từng lớp sóng xanh, đến tận mờ xa. Ông Sùng Tếnh ngồi trên mỏm đá, lũ trẻ quây tụ xung quanh.


- Chỗ này những ông tiên thường xuống đánh cờ. Bàn cờ đây. Quân cờ đây. Ghế của hai ông tiên chơi cờ đây. Những ông tiên khác ngồi trên những chiếc ghế này xem hai ông đánh cờ và phẩm bình những nước đi cao thấp.


Những đêm trăng sáng, những ngày xuân đẹp trời, các ông tiên vẫn xuống đây đánh cờ. Ông cháu mình đang ngồi chỗ của các ông tiên đấy.


Lũ trẻ cười thích chí.


Thằng Lồ lại hỏi ông Sùng Tếnh cái câu nó đã hỏi bà Giàng Súa:


- Ông ơi! Làng mình có Núi Tiên, Suối Tiên nhưng mà nghèo quá...?


Ông Sùng Tếnh nhìn xa xăm, trầm ngâm. Ông lại dẫn lũ trẻ đi ngược về thuở xa xăm.


…Thuở ấy đã xa thăm thẳm, hun hút. Cuộc sống đang yên lành bỗng dưng trời nghiêng núi lở, ruộng nương xác xơ, dân làng phải kéo nhau trốn chạy. Chạy như có ma đuổi phía sau. Chạy pha ngày pha đêm theo bước chân già làng dẫn lối. Chạy đến khi trời quang, mưa tạnh, sấm yên, tìm được mảnh đất vỡ nương, vạc ruộng. Được vài đời lại xảy ra tao loạn giặc giã. Cung tên, gươm giáo chém giết liên miên. Vó ngựa tung bụi đất mù mịt. Lại chất dao, cuốc, cày bừa, lúa ngô lên lưng ngựa ra đi. Con lớn bám váy, bám áo người lớn mà đi theo, con nhỏ trong địu, trong lù cở, lắc lư gà gật theo bước thấp bước cao của bố, của mẹ. Lùa trâu, dắt ngựa mà trốn chạy tìm nơi yên hàn. Ròng rã theo mặt trời mọc lặn, kiền kiệt cùng trăng khuyết, trăng tròn. Cuối cùng thì dừng chân, khai phá ruộng nương, lập làng ở bên Suối Tiên và bên sườn Pô Xiên này.


Ngày ấy, bông lúa bằng đuôi trâu, bắp ngô bằng quả mướp. Rừng bên làng bạt ngàn, muông thú nhởn nhơ, chim chóc bay dập dìu, hót rộn rã. Dòng Suối Tiên không chỉ trong mát mà đầy cá. Người ngồi giặt váy áo, cá vây đỏ vẫy vùng trong hốc đá lượn ra nhởn nhơ. Mỗi mẻ chài quăng xuống gỡ được lưng giỏ cá. Chặt vầu đóng cái căm ngang suối, ngày lũ, cá theo dòng nước chảy quá đà trượt lên mặt căm, oằn mình nảy tưng tưng rồi nằm phơi bụng, chỉ việc nhặt cho vào giỏ đem về.


Nhưng mà bây giờ.... Ô dà! Ông Giàng Tếnh thở dài. Nương cằn mài vẹt lưỡi cày rồi. Đá mọc lên rồi. Cây biết mọc chứ đá thì mọc làm sao được hả ông? Ông Giàng Tếnh giảng giải: Đá mọc đấy, mọc nhanh lắm. Hồi ông còn bé như các cháu, hòn đá này chỉ cao ngang thắt lưng. Mảnh nương kia chỉ nhấp nhô vài hòn đá. Mỗi hòn đá là một miếng mỡ cho nương. Mỡ màu đọng theo đá. Nước mát thướm lên theo đá, ngô bám vào đá lên vù vù. Nhưng lưỡi cày moi cậy mãi, lưỡi cuốc nạo xới mãi, đất theo nước mưa kéo nhau tuột xuống suối mà ra sông ra biển. Đá cứ trơ ra, trồi lên, nhô cao. Đá mọc đấy. Đá trên mảnh nương này tua tủa, lúc nhúc châu mõm về một phía như đàn vật đói mồi. Cây ngô xen lách vào đá, thưa thớt, phải cố sức vươn lên.


- Thế nên nhà thằng Dìn với mấy nhà bên Ngải Phóng Chồ phải bỏ đi ông nhỉ.


Tất cả lại nhớ đến thằng Dìn cùng lớp. Mấy hôm ấy đến lớp, nó buồn thiu. Rồi trong lớp trống vắng chỗ nó ngồi. Nó phải theo cả nhà bỏ đi tìm vùng đất mới. Bố nó lẳng lặng chuẩn bị, chẳng nói cho nó biết. Linh tính báo cho nó biết một cuộc đi biệt xứ, nó buồn nhưng chẳng dám nói ra, chẳng có câu chào các bạn trong lớp. Đã nửa năm nay, chẳng thấy tin tức gì. Giọng ông Sùng Tếnh trầm trầm.


- Đất này mà chẳng sống được thì còn tìm đi đâu cho được. Phải lo mà trả nợ cho rừng, phải đền cho đất thôi.


Lũ trẻ mang máng hiểu lời ông Sùng Tếnh. Mấy hôm vừa rồi, chúng thấy ba nhà bên Ngải Phóng Chồ trở về sau hơn một năm đi tìm đất mới. Họ lẳng lặng dựng lại nhà, lẳng lặng ra nương. Chẳng dám nói với ai rằng họ đã đi những đâu và bới đất lật cỏ nơi ấy thế nào. Mấy đứa các nhà ấy len lét, rụt rè trở lại trường nhưng phải học theo lớp dưới. Sau cái hôm lên đỉnh Pô Xiên khoảng một tháng thì ông Sùng Tếnh ra đi. Ông ra đi mãi mãi. Tiếng khèn bè trầm trầm đưa ông về chốn xa xôi.
“Phải lo mà trả nợ cho rừng, phải đền của cho đất”.


Ông Sùng Tếnh ra đi nhưng lời của ông trầm trầm vẫn còn văng vẳng, như nước con Suối Tiên vọng tiếng, như đất dãy Pô Xiên cất lời.


* *
*


Bà Giàng Súa đã già yếu lắm. Tối thứ bẩy nghỉ học, lũ trẻ trong làng vẫn rủ nhau đến thăm bà. Thương bà, chúng không dám vòi bà hát và kể chuyện như trước, nhưng lúc vui chuyện, bà vẫn cất giọng hát vài câu. Chúng khoe với bà rằng: Trong sách văn có một bài dân ca Mông bà thường hát. Giở đến bài ấy, lại thấy tiếng bà êm êm bên tai. Trong sách địa lý, có đoạn nói về cao nguyên đá quê mình. Chỉ mấy dòng thôi nhưng từng chữ, từng chữ khơi gợi, hình ảnh ông Sùng Tếnh hiện lên và chỉ tay kể chuyện giảng giải: “Đây là, kia là...”. Ngoài giờ học, chúng lại túm tụm nhau xem bản đồ Việt Nam, xem bản đồ của tỉnh, rê rê ngón tay đoán định vị trí quê mình.


Bây giờ, mấy đứa đang ngồi trên mỏm đá chom von, đón nhận làn gió núi mát dịu, dõi mắt nhìn một vùng triền núi quê hương. Thị trấn huyện lỵ xa xa, phố phường, nhà cửa san sát. Những ngôi trường, những con đường trải nhựa uốn vòng qua sườn núi, uốn lượn vượt lên dốc. Từng đoạn đường lại điểm một khu nhà cao tầng mái đỏ, tường trắng, cửa kính lấp lóa. Những vạt rừng sa mu xanh ngắt. Những nương ngô xanh mượt mà. Nhìn núi non quê hương, mỗi đứa một tưởng tượng, một ước ao, một suy nghĩ gợi từ những câu chuyện, những bài hát của bà Giàng Súa, phấp phỏng từ lời kể và câu nói cuối cùng của ông Sùng Tếnh.


Mấy đứa con trai đang dần lớn bổng lên, ngực căng hàng khuy áo lanh, đôi vai, đôi cánh tay dần chắc lẳn, đôi mắt sáng mơ mộng tự tin. Mấy đứa con gái đã ửng má hồng, cổ tay tròn mập, đôi mắt đen long lanh, ngực áo thêu dần phổng phao nét cong con gái. Chúng là những chàng trai Mông trong câu chuyện của bà Giàng Súa và ông Sùng Tếnh, là những cô tiên trong câu chuyên xa xưa hiện về. Không chỉ thình lình xuất hiện rồi biến mất, không chỉ theo mây lướt xuống rồi lại theo mây về trời. Chúng sẽ trả nợ cho rừng, đền của cho đất, thực hiện ước mơ trong những câu hát, những câu chuyện từ thuở xa xăm…

Cao Văn Tư

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN