Ngày 5/5, trong lúc cắt cỏ, chị Lê Thị Khén (xã An Hải, huyện Ninh Phước) bị một con rắn độc chàm quạp cắn vào ngón giữa của bàn tay trái. Bệnh nhân thấy đau nhiều tại vị trí cắn, sưng nề, gia đình cấp tốc đưa vào điều trị tại Khoa Nội thận – Tiết niệu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Thuận. Tại đây bệnh nhân đã được các bác sĩ khẩn trương hội chẩn, điều trị tích cực theo phác đồ nên qua được cơn nguy kịch, hiện sức khỏe của chị Khén đã ổn định.
Thạc sỹ, bác sỹ chuyên khoa II Trần Thái Tuấn, Trưởng Khoa Nội thận – Tiết niệu (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Thuận) cho biết, qua ghi nhận các trường hợp bệnh nhân bị rắn độc cắn gồm có rắn chàm quạp, rắn lục đuôi đỏ, rắn hổ mèo... Có rất nhiều loài rắn độc và mỗi loài lại có cơ chế gây độc khác nhau như trường hợp bị rắn chàm quạp, rắn lục đuôi đỏ cắn sẽ gây biến chứng rối loạn đông máu hay rắn hổ cắn gây suy hô hấp nên tùy theo loại rắn độc sẽ có biện pháp sơ cứu cũng như hướng điều trị khác nhau. Sau thời gian điều trị, đến nay có 9 trường hợp đã xuất viện, còn 2 trường hợp sức khỏe ổn định, đang theo dõi thêm.
Bác sỹ cũng khuyến cáo, khi có người bị rắn độc cắn cần bình tĩnh, thực hiện sơ cứu tại hiện trường như trấn an bệnh nhân, đặt bệnh nhân trên mặt bằng phẳng và hạn chế di chuyển. Có thể đặt chi bị cắn ở vị trí thấp hơn vị trí tim; rửa sạch vết cắn và băng ép bằng băng thun từ vị trí bị cắn đến gốc chi (có thể băng ép toàn bộ chi). Nẹp chi bị cắn tránh bị uốn cong và di chuyển; không tháo nẹp và băng cho đến khi bệnh nhân được chuyển đến bệnh viện có huyết thanh kháng nọc rắn đặc hiệu để điều trị.
Lưu ý, không cắt hoặc rạch vết cắn; không đắp đá hay chườm lạnh; không đắp bất kỳ thuốc hay hoá chất khác lên vết thương. Sau đó, nhanh chóng chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất đảm bảo hô hấp và sinh tồn trên đường di chuyển (hồi sức được hô hấp, tim mạch). Nếu tình trạng nặng không đảm bảo tính mạng bệnh nhân khi di chuyển có thể nhờ sự giúp đỡ từ tuyến trên bằng các chuyên gia có kinh nghiệm qua điện thoại, hội chẩn qua internet... Trên thực tế đã có những trường hợp bị rắn độc cắn nhưng do sơ cứu không đúng cách, nhiều bệnh nhân bị hoại tử tay chân, nhiễm trùng máu, thậm chí bị tử vong. Vì vậy, nhận biết rắn độc cắn và sơ cứu ban đầu đúng cách là vô cùng cần thiết.
Ở Việt Nam, hiện có trên 140 loài rắn được ghi nhận, trong đó có khoảng 31 loài rắn độc gây nguy hiểm cho con người gồm 18 loài rắn trên cạn và 13 loài rắn biển. Các loại rắn trên cạn thường gây tai nạn có rắn hổ đất hay gặp ở miền Tây Nam bộ; rắn hổ chúa có loại hổ chúa vàng và hổ chúa đen thường gặp cả miền Nam và miền Bắc; rắn hổ mèo thường gặp ở miền Đông Nam bộ; rắn hổ mang bành ở miền Bắc. Các loại rắn cạp nia thường gặp ở miền Nam, rắn cạp nong, rắn lục xanh gặp trong cả nước; rắn chàm quạp gặp ở miền Đông Nam bộ; rắn sải cổ đỏ thường gặp ở Nam Trung bộ và Đông Nam bộ...
Ghi nhận tại các cơ sở y tế, cứ vào mỗi mùa hè, thời điểm mưa nhiều, số bệnh nhân bị rắn độc cắn lại gia tăng. Vì vậy, người dân cần nâng cao cảnh giác biết về loài rắn trong vùng, biết khu vực rắn thích sống hoặc ẩn nấp. Khi lao động trong vườn, rẫy, người dân nên đeo găng tay, đi ủng, giày cao cổ. Không ở gần các nơi rắn thích cư trú hoặc thích đến như các đống gạch vụn, đống đổ nát, đống rác, nơi nuôi các động vật của gia đình. Những nhà ở gần vườn, rẫy dễ có rắn bò vào nên phát quang bụi rậm, mọi người nên hạn chế đi lại vào ban đêm ở những vùng đồi núi, nơi ẩm thấp, nhất là thời điểm sau khi trời mưa.
Để tránh bị các loại rắn biển cắn, người dân cũng không nên bắt rắn ở trong lưới hoặc dây câu, có thể dễ nhầm lẫn khi phân biệt giữa đầu rắn và đuôi rắn. Những người đi tắm hoặc giặt ở các vùng nước đục ở cửa sông hoặc một số vùng bờ biển cũng có thể dễ bị rắn cắn.