Kiến ba khoang thường xuất hiện nhiều vào buổi tối. Ảnh: Trần Thị Thu Hiền/TTXVN |
Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã xuất hiện nhiều kiến ba khoang. Do thiếu thông tin và chưa nhận thức đầy đủ về kiến ba khoang nên nhiều người dân chưa biết cách phòng, tránh loại kiến này. Nhiều người dùng tay, chân để giết kiến, sau đó lại vô tình dùng tay tiếp xúc với vùng da khác. Chất độc của kiến ba khoang khi tiếp xúc với da gây bỏng da, viêm da… Khi bị viêm da do chất độc của kiến ba khoang, nhiều người lại lầm tưởng là bị bệnh zona, giời leo…
Tại trường Trung học phổ thông thành phố Điện Biên Phủ, phóng viên chứng kiến cảnh kiến ba khoang nằm la liệt ở chân tường. Ông Vũ Mạnh Thắng, bảo vệ trường Trung học phổ thông thành phố Điện Biên Phủ cho biết: Khoảng 1 tuần trở lại đây, quanh khuôn viên trường xuất hiện rất nhiều kiến ba khoang, chủ yếu tập trung ở những chỗ có ánh sáng điện. Nhiều giáo viên, học sinh trong trường đã bị phỏng rộp, viêm da do kiến ba khoang.
Theo bác sĩ Lê Xuân Khánh, trưởng Khoa Da liễu - Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội tỉnh Điện Biên cho biết: Từ đầu tháng 10, tại trung tâm bắt đầu có bệnh nhân đến khám bệnh do tiếp xúc với kiến ba khoang đốt. Đặc biệt, từ 20/10 đến nay, mỗi ngày ngày có nhiều bệnh nhân đến khám chữa bệnh viêm, loét da do kiến ba khoang, có ngày lên đến hơn 20 bệnh nhân. Tính từ đầu tháng 10 đến nay đã có hơn 140 ca bị viêm da do kiến ba khoang đến khám, chữa bệnh tại trung tâm, bệnh nhân chủ yếu đến từ địa bàn thành phố Điện Biên Phủ và huyện Điện Biên. Trong khi đó, vào cùng thời điểm này năm ngoái, chỉ ghi nhận vài trường hợp bị viêm da do kiến ba khoang ở khu vực phường Him Lam, thành phố Điện Biên Phủ.
Bác sĩ Nguyễn Quang Ngọc, Giám đốc Trung tâm phòng chống sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng tỉnh Điện Biên cho biết, kiến ba khoang không đáng lo ngại như nhiều loài côn trùng truyền bệnh (bọ xít, muỗi vằn) nên người dân cần bình tĩnh để xử trí. Loài côn trùng này không cắn, đốt người, mà do con người vô tình tiếp xúc với chất độc trong cơ thể kiến gây viêm da kích ứng. Kiến ba khoang là côn trùng thích ánh sáng, thường tập trung vào khu vực có ánh đèn. Vì thế, vào buổi tối người dân nên đóng cửa, hạn chế bật đèn. Đồng thời thường xuyên quét dọn sạch sẽ nhà cửa, trước khi đi ngủ nên rũ chăn màn, giường chiếu. Các gia đình nên dùng lưới chống muỗi, côn trùng. Các bác sĩ cũng khuyến cáo, nếu thấy kiến ba khoang đậu trên người thì thổi nhẹ để kiến bay đi chứ không nên chà xát mạnh; tuyệt đối không dùng tay chân tiếp xúc trực tiếp với kiến. Nếu vô tình tiếp xúc với kiến ba khoang, nên rửa sạch bằng nước sạch hoặc nước muối loãng. Tuyệt đối không rửa bằng nước xà phòng khi bị kiến ba khoang đậu vào vì sẽ làm tăng kích ứng; tuyệt đối không được gãi hay chà xát mạnh vào vùng da bị tổn thương, sau đó bôi bằng hồ nước để làm dịu, mát chỗ tổn thương. Nếu thấy da bị phồng rộp, bỏng, rát thì nên đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.