Theo bác sĩ Vương Tân Vũ, Phó Chủ nhiệm Khoa truyền nhiễm Bệnh viện Hoa Sơn trực thuộc Đại học Phúc Đán, những ngày gần đây, tỷ lệ dương tính với virus cúm A của bệnh viện đã tăng đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái. Các loại virus cúm năm nay tương đối đơn lẻ và hầu hết các bệnh về đường hô hấp đều do virus cúm A gây ra. Nhìn chung, quy mô các ca mắc bệnh hô hấp không tăng nhiều so với các năm trước. Dự báo số ca mắc có thể giảm dần trong thời gian tới, song vẫn cần đề cao cảnh giác và có biện pháp bảo vệ hàng ngày.
Bác sĩ Vương Tân Vũ nêu rõ cúm A khác với cảm lạnh thông thường. Cảm lạnh thông thường chủ yếu là do khả năng miễn dịch của đường hô hấp bị suy giảm và sự xâm nhập của vi khuẩn và virus, chủ yếu là do rhinovirus và coronavirus gây ra, khả năng lây nhiễm yếu hơn và diễn biến ngắn hơn. Về mặt triệu chứng, cúm A dễ lây lan hơn so với cảm lạnh thông thường, đi kèm với các triệu chứng như đau họng, đau nhức cơ và khớp, đồng thời có thể bao gồm sốt cao kéo dài. Ngoài ra, cúm A dễ gây viêm phổi, một số trường hợp bệnh tiến triển nhanh thành viêm phổi nặng nên cần chú ý.
So với người lớn, chức năng miễn dịch của trẻ còn non nớt và khả năng chống chọi với virus yếu hơn, do đó khả năng mắc bệnh cũng cao hơn. Để giảm nguy cơ nhiễm cúm A và bảo vệ an toàn cho trẻ em trong mùa đông, bác sĩ Hoàng Ngọc Quyên, Chủ nhiệm Khoa cấp cứu của Bệnh viện Nhi Thượng Hải đề xuất cha mẹ nên đảm bảo cho trẻ ngủ đủ giấc, chú ý đến chế độ ăn uống cân bằng và tăng cường khả năng miễn dịch của trẻ. Phụ huynh cũng cần hướng dẫn trẻ hình thành thói quen vệ sinh cá nhân tốt và che miệng, mặt đúng cách khi ho, sổ mũi.
Các chuyên gia y tế Trung Quốc cũng cảnh báo người dân nên đeo khẩu trang khi đến nơi đông người, nhằm giảm nguy cơ lây nhiễm bệnh về đường hô hấp.