Chia sẻ tại hội thảo, các chuyên gia dinh dưỡng cho rằng: Xu hướng quan tâm đến dinh dưỡng thực vật đang phát triển tích cực nhưng cần được thúc đẩy mạnh mẽ và nhanh chóng hơn nữa. Bởi lẽ, xu hướng này được xem là giải pháp tối ưu cho nhiều bài toán về tình trạng gia tăng của các bệnh mạn tính không lây lẫn môi trường.
Theo Giáo sư, Tiến sỹ, bác sỹ Lê Thị Hợp, nguyên Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, mối liên hệ giữa chế độ dinh dưỡng không lành mạnh như nhiều chất béo, nhiều đường tự do, nhiều muối là nguyên nhân gây ra bệnh béo phì và các bệnh mạn tính không lây như: ung thư, đái tháo đường và tim mạch. Theo dữ liệu của Bộ Y tế công bố năm 2022, bệnh mạn tính không lây tại Việt Nam gây ra 77/100 trường hợp tử vong, trong đó bệnh tim mạch chiếm 44%, ung thu 22%, phổi mạn tính 9%, đái tháo đường 4% và các bệnh khác 21%. Thực trạng bệnh tim mạch đáng báo động với 25% dân số mắc các bệnh về tim mạch, xu hướng tử vong do các bệnh về tim mạch ngày càng tăng và ngày càng trẻ hóa.
“Tiêu thụ thịt tăng, protein nguồn gốc động vật, protein tổng số cao hơn với nhu cầu khuyến nghị dinh dưỡng cho người Việt Nam và tiêu thụ rau chưa đạt nhu cầu khuyến nghị, có thể là nguyên nhân gia tăng các bệnh mạn tính không lây nhiễm trong các thập kỷ qua”, Giáo sư, Tiến sỹ, bác sỹ Lê Thị Hợp đánh giá.
Nhận định về lợi ích của dinh dưỡng từ thực vật đối với sức khỏe con người, Tiến sỹ Andrea Glenn (Đại học Harvard, Hoa Kỳ) cho biết: Thay thế một số đạm động vật trong khẩu phần ăn bằng nguồn đạm thực vật giúp ngăn ngừa và kiểm soát các bệnh về tim mạch. Mặt khác, chế độ ăn uống tổng thể rất quan trọng. Trong đó, chế độ dinh dưỡng thực vật lành mạnh giúp ngăn ngừa được béo phì, bệnh đái tháo đường tuýp 2 và nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
Từ các nguyên cứu của mình, Tiến sỹ Andrea Glenn cho rằng, chỉ cần những thay đổi nhỏ bao gồm sử dụng nhiều thực phẩm có nguồn gốc thực vật lành mạnh hơn có thể tác động tích cực đến nguy cơ mắc bệnh mãn tính. Mỗi người có thể chọn cách ăn kiêng dựa vào thực vật phù hợp nhất với các giá trị dinh dưỡng, sở thích và mục tiêu điều trị, sử dụng của mình để đảm bảo tuân thủ tốt nhất trong thời gian dài.
Dưới góc độ nghiên cứu về xu hướng tiêu dùng, bà Trezelene Chan, Giám đốc phát triển bền vững, Công ty Kantar (Singapore) cho biết: Thực phẩm từ thực vật đang trên đà phát triển rất mạnh mẽ, dự báo sẽ tăng gấp 5 lần và đạt tới 162 tỷ USD vào năm 2030.
Trong đó, 40% sự tăng trưởng đến từ thị trường châu Á - Thái Bình Dương (APAC) và Việt Nam là một trong số các quốc gia dẫn đầu cho xu hướng này. Thực phẩm có nguồn gốc thực vật đang được 3 nhóm tiêu dùng nòng cốt dẫn đường, đó là người tiêu dùng trẻ, người thành thị và người có thu nhập khá; trong đó, người trẻ (GenZ) là một nhóm đang chú ý. Dự kiến đến năm 2025, GenZ sẽ chiếm 1/4 dân số khu vực APAC, sức mua của nhóm này sẽ đạt mức 140 tỷ USD trên toàn cầu vào năm 2030.
Theo bà Trezelene Chan, hiện nay, thực phẩm thực vật không chỉ đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng lành mạnh, tốt cho sức khỏe mà còn có thể đáp ứng được ước mong trải nghiệm tuyệt vời với ẩm thực như ngon, đẹp mắt… nhờ vào sự sáng tạo của các nhà sản xuất. Qua đó, mang lại cho người tiêu dùng một cảm giác sảng khoái, cảm giác hợp thời, văn minh khi tiêu thụ các sản phẩm này hàng ngày.
Dưới góc độ nhà sản xuất sữa đậu nành hàng đầu ở Việt Nam, ông Huỳnh Sơn Hải - Giám đốc điều hành Công ty Sữa đầu nành Việt Nam (Vinasoy) chia sẻ: Hội thảo khoa học quốc tế 2023 là bước tiến quan trọng cho toàn ngành dinh dưỡng thực vật Việt Nam, cùng tìm hiểu và lan tỏa kiến thức về giải pháp dinh dưỡng thực vật.
Trong thời gian tới, Vinasoy sẽ tiếp tục cung cấp những giải pháp và kiến thức cho người tiêu dùng Việt Nam thông qua chương trình “Thêm đạm thực vật để khỏe thật", thực hiện trách nhiệm tiên phong và cam kết bền vững. Doanh nghiệp luôn sẵn sàng hợp tác và chung tay với các Bộ, ban, ngành, các tổ chức và các trung tâm nghiên cứu đề chia sẻ kiến thức về dinh dưỡng thực vật nói chung và dinh dưỡng đậu nành nói riêng nhằm không ngừng sáng tạo ra các giải pháp dinh dưỡng thực vật mang lại cuộc sống lành mạnh hơn.
Tại hội thảo, các chuyên gia Việt Nam và quốc tế đã cùng trao đổi, thảo luận về các chủ đề như: Tương lai thực phẩm từ thực vật tại châu Á; lợi ích của dinh dưỡng từ thực vật với sức khỏe con người; thực phẩm từ đậu nành và những lợi ích với sức khỏe con người ở mọi độ tuổi; những bệnh mạn tính không lây tại Việt Nam và mối tương quan với chế độ dinh dưỡng không hợp lý; một số giải pháp cải thiện chế độ ăn lành mạnh và tình trạng dinh dưỡng cho người Việt Nam...