Theo giáo sư Guy Marks, các quốc gia trên thế giới cần tiến hành xét nghiệm càng nhiều càng tốt để phát hiện các trường hợp mắc bệnh trong số những người có triệu chứng và trong những người tiếp xúc với những trường hợp mắc bệnh được xác nhận. Các nước cũng cần thực hiện cách ly nghiêm ngặt các trường hợp mắc bệnh và những người tiếp xúc. Đối với các bệnh viện, chỉ nên tiếp nhận những bệnh nhân có triệu chứng nặng (khó thở). Các trường hợp nhẹ và những người tiếp xúc với họ cần phải tự cách ly ở nhà hoặc cách ly ở các cơ sở khác như khách sạn.
Cũng theo chuyên gia trên, cần thực hiện biện pháp giãn cách xã hội ngay khi có bằng chứng về hiện tượng lây nhiễm cộng đồng.
Ngoài ra, ông cũng cho rằng cần thực hiện giám sát dịch tễ học qua xét nghiệm huyết thanh và virus để tìm hiểu tiến trình của dịch bệnh và xác định những người cần phải xét nghiệm và các biện pháp giãn cách xã hội phù hợp.
Giáo sư Guy Marks nhấn mạnh công tác phòng chống dịch COVID-19 cần bao gồm các bước xét nghiệm người nghi ngờ nhiễm bệnh, cách ly người bệnh và xét nghiệm những người tiếp xúc với bệnh nhân. Ông cũng cho rằng phần lớn các trường hợp mắc COVID-19 hồi phục trong vòng 1 - 2 tuần.
Giáo sư Guy Marks hiện tham gia một số dự án nghiên cứu lớn với Chương trình Chống lao Việt Nam tại Bệnh viện Phổi trung ương. Ông cùng với nhóm các nhà nghiên cứu y khoa Việt Nam vừa hoàn thành trong năm 2019 một dự án nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên có đối chứng, chủ động sàng lọc phát hiện bệnh lao tại cộng đồng, thực hiện trong vòng 4 năm tại tỉnh Cà Mau. Kết quả nghiên cứu đã cung cấp bằng chứng khoa học khẳng định các quốc gia, trong đó có Việt Nam, có thể giảm tỷ lệ mắc lao, hướng tới mục tiêu chấm dứt bệnh lao, bằng cách ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại với phương pháp “chủ động tầm soát”. Nghiên cứu đã được công bố trên Tạp chí Y học New England, một trong những tạp chí khoa học hàng đầu trên thế giới.