Ở tuổi xế chiều, các chức năng của cơ thể thường suy giảm và hệ miễn dịch có xu hướng phản ứng thái quá, dẫn đến tình trạng giảm đề kháng.
Theo nghiên cứu công bố trước đây, chế độ ăn kiêng khem thiếu đa dạng thường thấy ở người cao tuổi, đặc biệt là những người sống một mình hoặc trong nhà dưỡng lão, khiến số lượng các loài vi khuẩn có lợi trong đường ruột giảm mạnh, qua đó đẩy nhanh tiến trình suy giảm chức năng ở người già.
Để kiểm chứng, các nhà nghiên cứu đến từ Trường Vi trùng học thuộc Đại học Cork ở Ireland đã phối hợp với các đồng nghiệp ở Ba Lan, Italy, Pháp và Hà Lan tiến hành thử nghiệm lâm sàng đối với 612 tình nguyện viên trong độ tuổi từ 65 - 79 ở 5 quốc gia châu Âu, so sánh nhóm người cao tuổi ăn uống kiêng khem với các loại thức ăn chế biến sẵn với nhóm đã chuyển sang chế độ ăn Địa Trung Hải.
Kết quả cho thấy, ở những người đã áp dụng chế độ ăn đặc trưng Địa Trung Hải trong một năm, số vi khuẩn đường ruột có lợi cho chức năng não đã tăng đáng kể, trong khi số vi khuẩn có hại bị cho là có thể gây ra tình trạng suy nhược sức khỏe cũng như các bệnh viêm nhiễm đã giảm.
Theo các nhà khoa học, kết quả này không thay đổi với mọi lứa tuổi hay cân nặng, vốn là hai yếu tố ảnh hưởng đến hệ vi sinh đường ruột gồm khoảng 1.000 loài vi khuẩn khác nhau.
Chế độ ăn Địa Trung Hải đang ngày càng phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới, lấy cảm hứng từ các loại thực phẩm ở các nước giáp biển Địa Trung Hải như Hy Lạp, Pháp, Tây Ban Nha và miền Nam Italy. Chế độ ăn này khuyến khích ưu tiên các loại thực phẩm như cá, trái cây, rau, đậu và ngũ cốc nguyên hạt, trong khi hạn chế các loại thịt và sản phẩm từ sữa động vật hay đồ ngọt.
Chế độ ăn Địa Trung Hải đứng đầu bảng xếp hạng những chế độ ăn lành mạnh nhất trong năm 2019.