Kiểm soát nhiễm khuẩn trong bệnh viện là vô cùng quan trọng. Ảnh: Phương Vy/TTXVN |
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Nguyên trưởng khoa Nhi bệnh viện Bạch Mai cho biết: Có 2 phổ vi khuẩn cơ bản là: Phổ vi khuẩn trong cộng đồng và phổ vi khuẩn sống trong môi trường bệnh viện, trong đó phổ vi khuẩn sống trong môi trường bệnh viện là rất nguy hiểm.
Theo đó, nhiễm khuẩn bệnh viện là những loại nhiễm khuẩn xuất hiện khi bệnh nhân ở trong bệnh viện, có thể là nhiễm chéo hoặc tự nhiễm với các loại vi khuẩn gây bệnh tồn tại sẵn có trong bệnh viện.
Môi trường các bệnh viện, các cơ sở y tế đôi khi còn là “ổ vi khuẩn gây bệnh” vì đó là nơi tiếp nhận nhiều bệnh nhân với nhiều loại bệnh, nhiều loại vi khuẩn khác nhau. Nguồn vi khuẩn gây bệnh còn có thể đến từ chính nhân viên bệnh viện khi không làm tốt việc khử trùng sau khi tiếp xúc với bệnh nhân, từ chính các thiết bị, máy móc, từ người bên ngoài mang vào bệnh viện, không thực hiện đúng quy trình rửa tay…
Ngay đôi bàn tay của người bình thường cũng có thể chứa rất nhiều vi khuẩn hoặc hơi thở khi tiếp xúc gần trong vòng nửa mét thì những giọt bắn cũng chứa rất nhiều vi khuẩn, những đối tượng như trẻ sơ sinh hoàn toàn có thể bị lây.
Theo các chuyên gia, nguy cơ nhiễm khuẩn bệnh viện sẽ xảy ra khi bệnh viện, các cơ sở y tế không làm tốt công tác kiểm soát nhiễm khuẩn. Vi khuẩn có thể tồn tại ở mọi nơi, mọi ngóc ngách trong bệnh viện. Khi chúng xâm nhập được vào cơ thể người sẽ gây bệnh, gây ra các nhiễm trùng, thậm chí tử vong với những trường hợp nhiễm trùng nặng.
Nhiễm khuẩn bệnh viện nguy hiểm vì đây là các loại vi khuẩn sống trong môi trường bệnh viện nên thường xuyên được tiếp xúc với các loại kháng sinh, có thể đã nhờn thuốc hoặc thậm chí đó là các vi khuẩn kháng thuốc thì sẽ rất khó điều trị.
Tiến sĩ Nguyễn Việt Hùng, Trưởng Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Bạch Mai, cảnh báo: "Trẻ sơ sinh là đối tượng có nguy cơ nhiễm khuẩn cao nhất và khi đã mắc nhiễm khuẩn, tỷ lệ tử vong sẽ là cao nhất do chưa hoàn chỉnh hệ thống miễn dịch. Tỷ lệ tử vong khi mắc nhiễm khuẩn bệnh viện có thể lên tới 50%".
Quy định của Bộ Y tế về đảm bảo an toàn, chống nhiễm khuẩn khu vực chăm sóc trẻ sơ sinh, sinh non: Phòng cho sơ sinh phải bảo đảm nhiệt độ khoảng 25-28 độ C,
tránh gió lùa, có dụng cụ sưởi ấm; có bồn rửa tay, đủ nước sạch và xà phòng
trong mỗi phòng. Tốt nhất là có một bồn rửa tay cho 4 giường bệnh. Có nơi thay
áo choàng, rửa tay, thay dép trước khi vào phòng trẻ.
Ở các cơ sở y tế có điều kiện, phòng cấp cứu sơ sinh nên bố
trí sát phòng hành chính và có cửa kính trong để nhân viên dễ theo dõi. Diện
tích cho mỗi giường cấp cứu là 3,5 m2, khoảng cách giữa 2 giường bệnh tốt nhất
là khoảng 0,9m.
Bên cạnh đó cần trang bị các điều kiện như: Có thuốc sát khuẩn nhanh tại giường, có tủ đựng
đủ phương tiện cấp cứu, thuốc và dịch truyền, có bàn để thực hiện các chăm sóc
cần thiết, có 1 góc để tắm trẻ có phương tiện/đèn sưởi ấm, có đủ nước sạch, nước
nóng…
Phòng thực hiện chăm sóc trẻ bằng phương pháp Căng-gu-ru: Giống
như phòng cho cả mẹ và con nhưng cần có nhà vệ sinh riêng. Những nơi thiếu
phòng có thể kết hợp phòng chăm sóc Căng-gu-ru và phòng điều trị trẻ bệnh.
Theo PGS.TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc bệnh viện Nhi Trung
ương, hiện nay tỷ lệ tử vong do sốc nhiễm khuẩn có nhiễm khuẩn huyết vẫn còn
đang rất cao trên thế giới, tùy theo mức độ phát triển của mỗi nước, tỷ lệ có
thể chiếm tới 40- 60% thậm chí 80% ở các nước chậm phát triển. Ở bệnh viện Nhi
Trung ương với nỗ lực thực hiện kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện, con số còn ở mức
trên dưới 50%.
Để kiểm soát tốt nhiễm khuẩn bệnh viện, việc nâng cao ý thức
của cán bộ y tế, người nhà bệnh nhân trong vệ sinh bàn tay là quan trọng hàng đầu.
Các bệnh viện cần giám sát chặt chế độ rửa tay xà phòng dưới vòi nước và rửa
tay sát trùng của cán bộ y tế.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng khuyến cáo, để phòng nhiễm
khuẩn bệnh viện, cần nâng cao chất lượng cơ sở vật chất, bảo đảm vệ sinh môi
trường, khoa, phòng bệnh... và đặc biệt làvệ sinh bàn tay.