Phương pháp này thu hút nhiều người bởi sự đơn giản: Bạn chỉ ăn trong một khoảng thời gian nhất định, thường là 8 giờ mỗi ngày. Tuy nhiên, liệu ăn kiêng gián đoạn có thực sự hiệu quả và an toàn?
Các nghiên cứu cho thấy IF có thể giúp bạn giảm lượng calo nạp vào một cách tự nhiên, dẫn đến giảm cân. Cụ thể, IF có thể mang lại một số lợi ích cho sức khỏe, bao gồm tăng cường độ nhạy insulin, giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch và tiểu đường loại 2. Đây là một phương pháp ăn kiêng dễ dàng thực hiện bởi IF không yêu cầu bạn theo dõi lượng calo hoặc đo khẩu phần ăn, đơn giản chỉ cần chú ý đến thời gian ăn uống.
Tuy nhiên, cũng có những kết quả nghiên cứu về hiệu quả giảm cân của IF còn nhiều mâu thuẫn. Một số người có thể thấy hiệu quả rõ rệt, trong khi những người khác lại không. IF có thể không phù hợp với tất cả mọi người, đặc biệt là những người có vấn đề sức khỏe như bệnh tiểu đường, rối loạn ăn uống hoặc phụ nữ mang thai. Một số người có thể gặp khó khăn trong việc thích nghi với việc nhịn ăn trong thời gian dài, dẫn đến các triệu chứng như mệt mỏi, nhức đầu và cáu kỉnh.
Các thử nghiệm lâm sàng ban đầu với khung giờ ăn từ 6 đến 10 giờ cho thấy ăn kiêng hạn chế thời gian nhìn chung là an toàn, theo báo cáo của các nhà nghiên cứu trên tạp chí Obesity.
Tuy nhiên, một nghiên cứu gây chú ý được trình bày tại phiên họp khoa học của Hiệp hội Tim mạch Mỹ năm nay lại cho thấy những người áp dụng chế độ ăn kiêng hạn chế thời gian 8 giờ có nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch cao hơn nhiều so với những người ăn uống trong khung giờ từ 12 đến 16 giờ.
Bác sĩ Francisco Lopez-Jimenez thuộc Phòng khám Mayo lưu ý rằng nghiên cứu này vẫn chưa được xuất bản trên tạp chí uy tín. Mặc dù vậy, ông cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải thận trọng. Ông nêu rõ bằng chứng lâu đời cho thấy việc bỏ bữa sáng có thể liên quan đến bệnh tim mạch và tử vong. Ông cho rằng cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi thử phương pháp nhịn ăn gián đoạn, đặc biệt nếu khung giờ nhịn ăn kéo dài đến giữa trưa.