Sốt xuất huyết và sốt phát ban có biểu hiện ban đầu là sốt cao và nổi ban trên da, nhưng hai bệnh này hoàn toàn khác nhau.
Theo TS.BS Nguyễn Kim Thư, Trưởng khoa virus – ký sinh trùng (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương), sốt xuất huyết Dengue là bệnh nhiễm trùng cấp tính do nhiễm virus Dengue, gây ra bởi muỗi vằn hút máu người bệnh rồi truyền sang người lành. Sốt xuất huyết Dengue có diễn biến trong vòng từ 7-10 ngày; thường được chia thành các giai đoạn sau: Giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm va giai đoạn lui bệnh.
Giai đoạn sốt: Trong 3 ngày đầu bệnh nhân có biểu hiện sốt, choáng, mất nước, có thể điều trị tại nhà tạm thời. Bệnh nhân thường có biểu hiện sốt cao đột ngột, liên tục 39 - 40 độ C, rất khó hạ sốt bằng thuốc hạ sốt.
Giai đoạn nguy hiểm: Được tính từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 của bệnh; qua được giai đoạn nguy hiểm sẽ bắt đầu đi vào giai đoạn lui bệnh.
Giai đoạn lui bệnh: Từ ngày thứ 7 trở đi, bệnh nhân có thể xuất hiện các nốt ban trên da và ngứa; triệu chứng ngứa có thể tồn tại một vài ngày.
Cách phân biệt được giữa sốt xuất huyết và sốt phát ban: Dùng ngón tay cái và ngón trỏ cùng bên căng vùng da có chấm đỏ (ban đỏ) hoặc vùng da sung huyết. Nếu phát hiện chấm đỏ mất đi, buông ra là màu đỏ hồi phục ngay thì chính là dấu hiệu của sốt phát ban. Ngược lại, nếu vẫn thấy chấm đỏ li ti sau khi căng da, đó là sốt xuất huyết.
Để chắc chắn nhất, nếu nghi ngờ người mắc sốt xuất huyết cần đưa ngay đến cơ sở y tế để được thăm khám, tư vấn, điều trị kịp thời và tránh lây nhiễm ra cộng đồng.
Bác sĩ cũng khuyến cáo người dân cần chủ động phòng sốt xuất huyết bằng cách phòng tránh muỗi đốt, khơi thông cống rãnh; các dụng cụ đựng chứa nước phải luôn có nắp đậy không để muỗi vằn đẻ trứng, sinh sôi làm vật trung gian truyền bệnh.