Theo kết quả “Điều tra sức khỏe học sinh Việt Nam năm 2019” của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tỷ lệ hút thuốc lá điện tử trong học sinh 13-17 tuổi trên phạm vi cả nước là 2,6% và ở học sinh khu vực thành thị là 3,4%. Năm 2020, theo "Điều tra tình hình sử dụng thuốc lá năm 2020" tại 34 tỉnh, thành phố của Việt Nam, tỷ lệ nam giới trưởng thành đang sử dụng thuốc lá điện tử là 5,6%, nữ giới trưởng thành sử dụng thuốc lá điện tử là 1%.
Lý do khiến thuốc lá điện tử len lỏi vào cuộc sống của thanh thiếu niên Việt Nam là các em chưa có nhận thức rõ về tác hại thực sự của những thiết bị đó.
Một trong những nhầm tưởng phổ biến nhất đối với những người lựa chọn dùng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng (TLĐT/TLNN) là chúng ít độc hại hơn thuốc lá điếu thông thường. Tuy nhiên, đây là một thông tin sai.
Theo một thông báo của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) tháng 7/2020, ngay cả khi được cho phép lưu hành trên thị trường thì TLĐT/TLNN không phải là sản phẩm an toàn và cũng không được chấp thuận là an toàn, đồng thời bác bỏ việc tiếp thị rằng việc sử dụng sản phẩm này ít gây hại hơn so với các sản phẩm thuốc lá khác. FDA yêu cầu công ty thuốc lá theo dõi việc nhận thức và sử dụng các sản phẩm này trong giới trẻ để đảm bảo rằng việc tiếp thị với nội dung “giảm phơi nhiễm” không gây ra hậu quả ngoài ý muốn đối với tiêu dùng của giới trẻ.
Trong khi đó, WHO cũng nhấn mạnh tất cả các sản phẩm thuốc lá đều gây hại đối với sức khỏe. Việc tuyên truyền thuốc lá nung nóng ít hóa chất độc hại hơn so với thuốc lá truyền thống sẽ gây hiểu nhầm cho người sử dụng về tác hại của thuốc lá nung nóng.
Theo khuyến cáo của Sở Y tế Hà Nội, TLĐT/TLNN có chứa nicotine, có khoảng 15.500 loại hương liệu được sử dụng. Trong đó có rất nhiều loại hương liệu độc hại, gây ảnh hưởng đến sức khỏe và có thể pha trộn các chất khác vào dung dịch như ma túy, cần sa và các chất kích thích khác.
Một quan niệm sai lầm khác của người dùng đối với TLĐT/TLNN là chúng có thể đóng vai trò như một biện pháp giúp cai nghiện thuốc lá điếu thông thường. Tuy nhiên, tại Hội nghị lần thứ 7 các bên Công ước Khung về Kiểm soát thuốc lá (COP7), WHO kết luận hiện chưa có bằng chứng khoa học chứng minh thuốc lá điện tử có thể giúp cai nghiện thuốc lá điếu truyền thống .
Trong khi đó, có bằng chứng cho thấy sử dụng TLĐT/TLNN làm tăng nguy cơ sử dụng cùng lúc các loại thuốc lá. Ví dụ một nghiên cứu ở Mỹ chỉ ra hầu hết người sử dụng TLĐT để cai thuốc lá đều không bỏ được thuốc lá, thay vào đó họ tiếp tục sử dụng đồng thời cả TLĐT và thuốc lá điếu truyền thống. Hay tại Nhật Bản có tới 2/3 người dùng TLNN sử dụng đồng thời TLNN và thuốc lá điếu.
Rõ ràng Việt Nam cần cấm kinh doanh, lưu hành sản phẩm TLĐT/TLNN và hậu quả dễ thấy nhất là sức khỏe người dùng. Các sản phẩm TLĐT/TLNN có chứa các chất độc hại, gây bệnh tật, tử vong, ảnh hưởng đến sức khỏe của cả người hút và người xung quanh, gây ra các tác hại về xã hội, kinh tế, môi trường. Bản chất sản phẩm này vẫn là lệ thuốc chất gây nghiện nicotine. Các tác động có hại đến sức khỏe con người và các hệ lụy xã hội do sử dụng các loại sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng (chủ động và phơi nhiễm với khói thuốc lá điện tử) gây ra không thấp hơn so với thuốc lá điếu thông thường. Do đó, cần phòng ngừa việc sử dụng TLĐT/TLNN ở những người chưa hút, đặc biệt là trẻ em, thanh thiếu niên và các đối tượng yếu thế.