Mọi sinh vật sống - dù là con người hay vi khuẩn - đều cần đường để tồn tại. Các tế bào tạo ra chất béo từ đường và nhờ đó mà phát triển. Khi lượng đường thấp, các tế bào sẽ ngừng tạo ra chất béo hoặc tự đốt cháy. Các nhà khoa học sử dụng thuật ngữ "thiếu glucose" để mô tả tình trạng khi lượng đường trong tế bào giảm xuống dưới ngưỡng cho phép chúng có thể tồn tại bình thường.
Tế bào ung thư cũng ăn đường để phát triển. Tuy nhiên, chúng có ít đường hơn do lưu lượng máu đến mô khối u yếu hơn các mô bình thường, khiến tế bào ung thư luôn trong tình trạng đói glucose.
Trong báo cáo nghiên cứu được trường Đại học Ben Gurion của Israel công bố trên tạp chí Nature Communications ngày 20/5, nhóm các nhà khoa học từ Israel, Đức và Bỉ đã nghiên cứu về cách các tế bào ung thư có thể khắc phục tình trạng thiếu glucose để có thể tồn tại và phát triển.
Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra một cơ chế dựa trên tình trạng protein, có thể điều chỉnh tốc độ tạo ra chất béo của tế bào tùy theo trạng thái năng lượng của chính tế bào đó. Các nhà khoa học phát hiện một loại protein có tên là 4EBP, được sản xuất ở mức độ cao hơn trong tế bào ung thư so với mô bình thường. Họ nuôi cấy tế bào người, chuột và nấm men với hàm lượng 4EBP thấp và phát hiện ra rằng chúng không thể sống sót khi thiếu glucose.
Ngoài ra, các nhà khoa học cũng phát hiện ra rằng gene mã hóa 4EBP hoạt động rất tích cực trong các tế bào u não. Dịch tủy trong não chứa rất ít glucose. Vì vậy, các tế bào u não cần được trang bị những cơ chế như vậy để đối phó với tình trạng thiếu đường.
Theo các nhà nghiên cứu, cơ chế này được các tế bào ung thư, đặc biệt là tế bào ung thư não, khai thác để tồn tại trong mô khối u và tạo ra các khối u có khả năng tấn công.
Các nhà khoa học đã vô hiệu hóa các biểu hiện của protein 4EBP trong tế bào u não và cấy protein này vào não chuột. Những con chuột được cấy tế bào đã chỉnh sửa có tỷ lệ sống sót cao hơn so với nhóm còn lại. Phát hiện này được đánh giá mở ra tiềm năng phát triển các phương pháp điều trị mới cho một số bệnh ung thư trong tương lai.