Phải dạy trẻ kiến thức về phòng chống đuối nước
Các em tìm hiểu, nắm vững về nguyên nhân đuối nước, học cách nhận biết những nơi tiềm ẩn nguy cơ đuối nước, học cách phòng tránh tai nạn đuối nước, cách cứu đuối an toàn thông qua bài giảng của giáo viên, hướng dẫn viên dạy bơi, thông qua tài liệu tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong các giờ học thể dục, giờ sinh hoạt ngoại khóa, giờ chào cờ hoặc các cuộc thi tìm hiểu kiến thức kỹ năng phòng chống đuối nước của nhà trường, nhà văn hóa, khu dân cư tổ chức.
Khi đã nắm vững kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước, các em tích cực tuyên truyền cho bạn bè, người thân và những người xung quanh về tác hại của đuối nước, nguyên nhân đuối nước, nhận biết được những nơi tiềm ẩn nguy cơ đuối nước, cách phòng tránh tai nạn đuối nước, cách cứu đuối an toàn.
Phải dạy trẻ học bơi và học kỹ năng phòng chống đuối nước
Trẻ em, cộng đồng và cha mẹ học sinh tích cực tìm hiểu về lợi ích tác dụng của việc học bơi, học cách phòng chống đuối nước; gia đình, nhà trường và toàn xã hội quan tâm, tạo điều kiện cho trẻ em thường xuyên luyện tập môn bơi để các em biết bơi, biết các kỹ năng phòng ngừa đuối nước.
Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, mặc dù tình trạng trẻ em bị đuối nước đã giảm so với 10 năm trước (giảm 1.300 trường hợp), nhưng đuối nước vẫn là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em. Trước tai nạn đuối nước cướp đi sinh mạng của hàng nghìn trẻ em mỗi năm, nhiều bậc phụ huynh đã cho con em học bơi ngay từ khi còn nhỏ.
Học bơi, trước hết các em học kỹ thuật các kiểu bơi phổ thông để biết cách phối hợp nhịp nhàng động tác của chân, tay với việc hít thở và tạo ra tư thế thân người di chuyển thuận lợi, hiệu quả nhất trong môi trường nước. Thông qua việc thực hiện đúng kỹ thuật các kiểu bơi ếch, trườn sấp hoặc bơi ngửa sẽ giúp các em phát huy tốt nhất các tố chất thể lực của bản thân để bơi được nhanh, bơi được xa, thực hành được các kỹ năng an toàn và có khả năng linh hoạt, sáng tạo nhiều kiểu sinh tồn khác.
Dạy các em học thêm các kiểu bơi chó, bơi nghiêng, bơi ngửa sinh tồn để các em vận dụng linh hoạt phù hợp với mọi địa hình như sông, suối, ao hồ, hố nước sâu… miễn sao giúp các em giữ được tư thế thân người nổi được trong nước, di chuyển được trong nước và giữ được hơi thở ở mức gắng sức thấp nhất để không bị chìm, tự cứu mình hoặc chờ người đến cứu.
Trẻ em học biết bơi chưa đủ, mà cần học các kỹ năng an toàn trong môi trường nước để biết bơi an toàn, biết tự cứu mình khi bị rơi xuống nước, biết thoát hiểm khi đang bơi bị đuối sức hoặc gặp các tình huống xấu. Trong trường hợp chưa biết bơi, các em được học kỹ năng nổi, kỹ năng sinh tồn sẽ phần nào giúp các em biết phòng, tránh đuối nước.
Dạy các em biết cách cứu đuối an toàn để cứu bạn và bảo vệ chính mình. Có nhiều trường hợp biết bơi giỏi nhưng chưa biết cách cứu đuối an toàn đã vội vàng nhảy xuống nước cứu đuối nên dẫn đến tử vong cả người cứu đuối và người bị nạn. Vì vậy, việc học cứu đuối đúng cách là vô cùng quan trọng cho cả người biết bơi và người không biết bơi. Khi cứu đuối không tự nhảy xuống cứu trực tiếp mà phải dùng biện pháp an toàn như: Hô hoán, dùng sào, dùng dây.
Dạy trẻ cách phát hiện biển báo, chỉ dẫn ở những nơi tiềm ẩn nguy cơ đuối nước
Phải cắm biển báo, chỉ dẫn ở những nơi tiềm ẩn nguy cơ đuối nước để thông báo, cảnh báo cho trẻ em và cộng đồng biết và phòng tránh, tuyệt đối không bơi và vui chơi giải trí ở những nơi nguy hiểm đã có biển báo.
Cùng với đó, cần dạy trẻ cách phát hiện biển báo, chỉ dẫn ở những nơi tiềm ẩn nguy cơ đuối nước.
Nắm vững các cách sơ cứu đuối nước
Đẩy đầu nạn nhân về phía sau, nâng hai hàm răng gần như chạm nhau, quan sát và lắng nghe hơi thở nạn nhân.
Nạn nhân không còn thở, bịt mũi nạn nhân dung miệng thổi hơi thật mạnh cho đến khi lồng ngực nạn nhân phồng.
Ta quỳ cạnh nạn nhân, hai tay thẳng, hai bàn tay chồng lên nhau đặt nơi lồng ngực xương ức của nạn nhân. Đè tay ép lồng ngực nạn nhân rồi từ từ buông ra làm theo chu kỳ khoảng 15 giây, chúng ta ép ngực nạn nhân khoảng 15 lần và thổi ngạt 2 lần, sau mỗi 4 chu kỳ ta kiểm tra mạch và hơi thở của nạn nhân 1 lần.
Ủ ấm chống choáng. Khi nạn nhân vào bờ mà còn tỉnh táo hoặc sau khi xốc nước và làm hô hấp nhân tạo, nạn nhân đã tỉnh lại hãy thay quần áo khô cho nạn nhân, dùng khăn ủ ấm và cho uống nước trà nóng hay café rồi chuyển đến cơ sở y tế.