Quy mô hỗ trợ lớn nhất trong trong nhiều năm qua
Thời gian qua, đặc biệt những tháng đầu năm 2022, Bộ Tài chính đã chủ động theo dõi sát diễn biến thực tế để nghiên cứu, đề xuất, trình cấp có thẩm quyền cũng như ban hành theo thẩm quyền các giải pháp về gia hạn các khoản thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân.
Bộ đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) để đề xuất, tham mưu với Chính phủ trình Quốc hội thông qua Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời tiếp tục các giải pháp về gia hạn, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất.
Theo Bộ Tài chính, các giải pháp hỗ trợ thực hiện trong năm 2022 có giá trị khoảng 233.000 tỷ đồng, trong đó số tiền thuế, phí, lệ phí được miễn, giảm khoảng 98.000 tỷ đồng; số tiền thuế và tiền thuê đất được gia hạn khoảng 135.000 tỷ đồng.
Với những con số trên có thể thấy, năm 2022 là năm mà các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân về thuế, phí và lệ phí của Chính phủ được thực hiện có quy mô lớn nhất, phạm vi áp dụng rộng nhất trong nhiều năm qua”, Thứ trưởng Bộ Tài chính Cao Anh Tuấn cho biết.
Theo đại diện Bộ Tài chính, đặt trong bối cảnh nguồn thu ngân sách Nhà nước (NSNN) bị ảnh hưởng lớn, trong khi đó NSNN vẫn phải đảm bảo nhu cầu chi cho các hoạt động thường xuyên, đảm bảo nguồn vốn cho đầu tư phát triển, đặc biệt việc tăng nhu cầu chi về an sinh xã hội, chi cho công tác phòng chống dịch bệnh... tạo ra thách thức lớn với cân đối NSNN.
Trong thời gian tới, theo Thứ trưởng Cao Anh Tuấn, Bộ sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình thực tế để nghiên cứu, đề xuất các giải pháp phù hợp. Trước mắt, sẽ tập trung triển khai quyết liệt và hiệu quả các giải pháp về thuế, phí, lệ phí đã và sắp được ban hành ngay trong thời gian tới; đồng thời tổng kết, đánh giá việc thực hiện để có các giải pháp phù hợp; tiếp tục nghiên cứu, tham mưu việc đánh giá, rà soát và sửa đổi, bổ sung các Luật về thuế nhằm hoàn thiện đồng bộ hệ thống chính sách thuế phù hợp với các tiêu chuẩn của hệ thống thuế tốt theo thông lệ quốc tế, đáp ứng yêu cầu về nguồn lực, hướng tới một hệ thống thuế có cơ cấu bền vững, bảo đảm huy động hợp lý các nguồn lực cho NSNN.
Bộ cũng sẽ tiếp tục cải cách trên mọi mặt công tác, từ hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy, cải cách thủ tục hành chính theo hướng toàn diện và hiệu quả hơn, đến việc tiếp tục đẩy mạnh hiện đại hoá các lĩnh vực của ngành Tài chính.
Chính sách thuế hỗ trợ lan tỏa mạnh tới doanh nghiệp
Theo PGS TS Lê Xuân Trường - Trưởng Khoa Thuế và Hải quan (Học viện Tài chính), chính sách thuế đã có những tác động rất tích cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các chủ thể trong nền kinh tế. Cụ thể, chính sách gia hạn nộp thuế đã hỗ trợ nguồn tài chính, tăng khả năng thanh khoản khi doanh nghiệp, hộ kinh doanh gặp khó khăn bởi sự suy giảm của thị trường tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ do ảnh hưởng của COVID-19.
Đề cập về chính sách thuế hỗ trợ về nguồn vốn kinh doanh cho doanh nghiệp, theo Bộ Tài chính, gói miễn thuế và giảm thuế năm 2020 đã hỗ trợ doanh nghiệp và hộ kinh doanh có giá trị 20.000 tỷ đồng; năm 2021 là 24.000 tỷ đồng. Gói giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) năm 2022 dự kiến hỗ trợ khoảng 51.400 tỷ đồng.
“Tuy số tiền hỗ trợ doanh nghiệp và hộ kinh doanh thông qua chính sách miễn, giảm thuế không quá lớn nhưng dành cho những đối tượng dễ bị tổn thương nhất là doanh nghiệp, hộ kinh doanh đã có tác động quan trọng, tạo đà cho tăng trưởng. Ngay từ đầu năm 2022, chính sách giảm thuế GTGT từ 10% xuống 8% đã góp phần kích cầu tiêu dùng, tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển, qua đó, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó, do xăng dầu thế giới tăng cao trong năm 2022, chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường (BVMT) trong thời gian qua đã góp phần hỗ trợ giảm giá xăng dầu trong nước, giảm chi phí đầu vào của sản xuất, kinh doanh và giảm áp lực lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô”, PGS TS Lê Xuân Trường cho biết.
Năm 2023 sẽ khó khăn hơn, các nước rơi vào suy thoái do lãi suất và khủng hoảng năng lượng. Do vậy theo nhiều chuyên gia kinh tế, chính sách tài khóa tiếp tục là chủ lực, cần phải tính toán xem liệu có tiếp tục giảm thuế, phí nữa hay không? TS Cấn Văn Lực đề xuất: Chính phủ, Bộ Tài chính nên tiếp tục giãn, hoãn, giảm một số khoản thuế, phí, để hỗ trợ doanh nghiệp vì hiện “sức khỏe” doanh nghiệp rất yếu; đồng thời, phát huy phối hợp hiệu quả chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và chính sách giá cả, qua đó góp phần quan trọng kiểm soát lạm phát và ổn định tỷ giá, lãi suất trong tầm kiểm soát.