Chi 74.000 tỷ đồng cho chống dịch và hỗ trợ người dân gặp khó khăn

Đại diện Bộ Tài chính cho biết: Ngân sách Nhà nước (NSNN) đã chi 74.000 tỷ đồng cho phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do COVID- 19.

Chú thích ảnh
Hà Nội triển khai tiêm vaccine diện rộng tại khu công nghiệp. Ảnh: TTXVN.

Theo Bộ Tài chính, kết quả thực hiện các chính sách miễn, giảm, giãn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất ban hành năm 2021 khoảng 119,4 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ gần 120 nghìn doanh nghiệp và 20 nghìn hộ, cá nhân kinh doanh gặp khó khăn do tác động của dịch COVID-19. Tính cả số miễn, giảm theo các chính sách ban hành năm 2020 nhưng tiếp tục được thực hiện tnăm 2021 là 16,8 nghìn tỷ đồng và hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp nghìn tỷ đồng, tổng số đã miễn, giảm, giãn, hỗ trợ trong năm 2021 khoảng 174,2 nghìn tỷ đồng.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Bộ Tài chính đã đề xuất cấp có thẩm quyền nhiều chế độ, chính sách chi NSNN cho phòng, chống dịch COVID-19, đảm bảo nguồn kinh phí đẩy nhanh tiến độ mua và tiêm vaccine phòng COVID-19 cho nhân dân, như: trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện cắt giảm tối thiểu 50% kinh phí hội nghị, công tác phí trong và ngoài nước và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2021; thu hồi các khoản chi thường xuyên chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai để bổ sung dự phòng ngân sách Trung ương (NSTW) và ngân sách địa phương (NSĐP); thành lập Quỹ vaccine phòng COVID-19, với số tiền huy động đến hết ngày 31/12/2021 đạt 8.803 tỷ đồng; trình Quốc hội cho phép các địa phương được sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để chi phòng, chống dịch COVID-19 trong năm 2021 và 2022... 

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, dự báo năm 2022, dịch COVID-19 có thể tiếp tục kéo dài, nguy cơ xuất hiện biến thể mới, phức tạp và nguy hiểm hơn; vaccine và thuốc điều trị có thể tiếp tục khan hiếm. Trong bối cảnh đó, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ, trình Quốc hội bố trí 10 nghìn tỷ đồng chi thường xuyên thuộc lĩnh vực y tế từ nguồn ngân sách Trung ương năm 2022 cho phòng chống dịch COVID-19; đồng thời bố trí 20,5 nghìn tỷ đồng dự phòng NSTW (khoảng 2,5% tổng chi NSTW), tăng 3.000 tỷ đồng so với dự toán năm 2021 và 1,7 nghìn tỷ đồng chi dự trữ Quốc gia, tăng 500 tỷ đồng so với dự toán năm 2021 để chủ động nguồn lực phòng, chống dịch COVID-19, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, phòng, chống dịch bệnh và các nhiệm vụ trọng yếu khác.

Năm 2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định bổ sung 14,62 nghìn tỷ đồng từ nguồn tiết kiệm, cắt giảm chi của ngân sách Trung ương năm 2021 cho dự phòng NSTW để chi cho phòng chống dịch COVID-19; trường hợp chưa sử dụng hết, số kinh phí còn lại được chuyển nguồn sang năm 2022 tiếp tục sử dụng, tiếp tục duy trì quỹ vaccine để mua vaccine phòng chống dịch.

Trong quá trình điều hành ngân sách, tùy theo tình hình diễn biến dịch bệnh phát sinh, Bộ Tài chính sẽ sử dụng các nguồn lực NSTW trên, kết hợp với các nguồn dự phòng, dự trữ tài chính, các nguồn tài chính hợp pháp khác của địa phương để đảm bảo các nhu cầu phát sinh. Trường hợp cần thiết, Bộ Tài chính sẽ trình cấp thẩm quyền rà soát, cắt giảm các nhiệm vụ chi chậm phân bổ, chậm thực hiện trong năm, lùi, giãn, hoãn các nhiệm vụ chưa thực sự cấp thiết... của các cấp ngân sách để ưu tiên cho phòng, chống dịch và đảm bảo an sinh xã hội.

Trong năm 2022, Bộ Tài chính tiếp tục điều hành chi NSNN theo dự toán, chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả, dành nguồn lực cho phòng, chống dịch COVID-19, hỗ trợ phục hồi kinh tế và dự phòng cho những trường hợp bất khả kháng, thiên tai, dịch bệnh.. phát sinh; chỉ ban hành chính sách làm tăng chi NSNN khi thực sự cần thiết và có nguồn đảm bảo; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư, hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế;  chủ động sử dụng dự phòng, dự trữ và các nguồn lực hợp pháp của địa phương để xử lý các nhiệm vụ chi phòng, chống khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh và các nhiệm vụ chi đột xuất, cấp bách phát sinh theo quy định.

Quản lý chặt chẽ bội chi NSNN; kiểm soát chặt chẽ nợ công, các nghĩa vụ nợ dự phòng của NSNN, nợ của chính quyền địa phương; đảm bảo mức vay nợ trong hạn mức được duyệt, kiểm soát các chỉ tiêu an toàn nợ công trong phạm vi ngưỡng, trần theo quy định; tiếp tục rà soát, đánh giá hiệu quả hoạt động của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách; xây dựng lộ trình cơ cấu lại, sáp nhập, giải thể đối với các quỹ hoạt động không hiệu quả.

Minh Phương/Báo Tin tức
Dự kiến mức bội chi ngân sách nhà nước năm 2022 là 4% GDP
Dự kiến mức bội chi ngân sách nhà nước năm 2022 là 4% GDP

Tại Nghị quyết số 34/2021/QH15 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2022, Quốc hội quyết nghị: Tổng số thu ngân sách nhà nước là 1.411.700 tỷ đồng. Tổng số chi ngân sách nhà nước là 1.784.600 tỷ đồng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN