Theo đó, dòng tiền vẫn không chịu mua vào giá cao khiến đà giảm lại xuất hiện dẫn đến VN-Index chốt mức thấp nhất, giảm 1,25% tương đương 13,84 điểm so với tham chiếu với hàng trăm cổ phiếu giảm mạnh và nhiều gấp 4 lần số tăng.
Kết phiên sáng 6/10, VN30-Index giảm 1,67% và chỉ còn 3 mã tăng/26 mã giảm. GAS tăng 0,93%, HDB tăng 0,81% và VIC tăng 0,67%. Trong khi đó hàng loạt trụ giảm sâu là MSN giảm 4,81%, HPG giảm 4,17%, VIB giảm 3,96%, NVL giảm 2,07%, MWG giảm 2,09%, GVR giảm 1,83%, VCB giảm 1,%.
Sắc đỏ nhuốm màu ở nhiều nhóm ngành, trong đó, các cổ phiếu bất động sản, xây dựng vẫn chịu áp lực lớn nhất với DIG, GEX, PTL, HDG, CTI, VNE, EVG, DXS giảm từ 3,2% đến hơn 4%. Các cổ phiếu KBC, HHV, DPG, HHS, FIR, SAM, BCE, DRH, CRE…cũng đều giảm về dưới tham chiếu. Nhóm cổ phiếu thép chịu ảnh hưởng chung từ HPG với HSG -2,6% xuống 13.200 đồng/cổ phiếu; NKG -3,8% xuống 16.750 đồng/cổ phiếu; SMC, TLH mất gần 2%.
Chốt phiên sáng 6/10, sàn HOSE có 81 mã tăng và 344 mã giảm, VN-Index giảm 13,84 điểm (-1,25%), xuống 1.090,42 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 177,7 triệu đơn vị, giá trị 3.644,2 tỷ đồng, giảm 19% về khối lượng và 20% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 12,4 triệu đơn vị, giá trị 355,3 tỷ đồng.
Còn tại sàn HNX có 30 mã tăng và 122 mã giảm, HNX-Index giảm 2,9 điểm (-1,20%), xuống 239,22 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 16 triệu đơn vị, giá trị 302,2 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,4 triệu đơn vị, giá trị 2 tỷ đồng.
Trong phiên ngày 5/10, hầu hết các nhóm ngành đều biến động tích cực, một số cổ phiếu thuộc nhóm tài chính, dầu khí tăng khởi sắc với mức tăng 2,65% và 3,21% cho toàn ngành. Trong đó, nhiều mã ghi nhận sự chú ý của nhà đầu tư như VND, PVD, PVS.
Theo ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta, đà giảm của chứng khoán suốt thời gian qua là “giọt nước tràn ly” khi tâm lý tiêu cực đã dồn nén từ những phiên trước đó. Theo đó, tâm lý nhà đầu tư thận trọng trước những diễn biến tiêu cực của thị trường chứng khoán Mỹ.
Cụ thể, chứng khoán Mỹ cũng đồng loạt giảm mạnh khi nhà đầu tư lo ngại lãi suất tăng cao và biến động thất thường trên thị trường ngoại hối sẽ gây ra suy thoái toàn cầu. Đặc biệt, chỉ số Dow Jones ghi nhận mức giảm mạnh, xuyên thủng mốc 29.000. Một số yếu tố bên ngoài phần nào ảnh hưởng tới thị trường thời gian qua.
Tại Việt Nam, mặc dù thông tin vĩ mô tăng trưởng tốt, lạm phát được kiểm soát, con số GDP so với cùng kỳ năm tăng trưởng cao, tuy nhiên so với 2 quý trước đó đang tăng trưởng chậm lại cũng khiến tâm lý nhà đầu tư trở nên bi quan hơn. Ngoài ra, khối ngoại cũng tác động tiêu cực tới thị trường khi họ tiếp tục bán ròng, nối dài chuỗi bán ròng tuần thứ 6 liên tiếp. Trong điều kiện tâm lý yếu, dòng tiền bị bó hẹp càng khiến thị trường thêm xấu.
“Kịch bản lạc quan, thị trường có khả năng hồi phục trong tháng 10 và tháng 11 với mức tăng trưởng khoảng 10% và chỉ số VN-Index có thể quay trở lại quanh mức 1.200 điểm trong thời gian tới”, ông Nguyễn Thế Minh dự báo.
Đại diện Công ty Chứng khoán Smart Invest cho rằng: Khi thị trường đang ở giai đoạn điều chỉnh sâu, điểm số giảm mạnh thì sóng đối kháng sẽ xuất hiện mặc cho nền kinh tế thế giới có đang suy thoái hay các thông tin bất lợi khác.
Hiện thị trường đang trong thời điểm điều chỉnh tương đối mạnh, xét theo đồ thị kỹ thuật thì đang ở vùng quá bán. Một số chuyên gia tài chính nhận định: Khi thị trường đã ở vũng quá bán thì sẽ xuất hiện các sóng hồi. Những cổ phiếu giảm mạnh đôi khi lại là những cổ phiếu hồi nhanh nhất ở thời gian sau.